Ảnh minh họa Internet
Lúc đó, người Hà Nội có thể mời bạn bè nơi khác đến thăm mà không quá bối rối khi phải nghĩ "đi chơi đâu ngoài tham quan Tháp Rùa?".
Những ngày qua, chủ đề "vé xem bóng đá" trở thành bão dư luận có lẽ không chỉ cho thấy tình cảm của người hâm mộ dành cho đội tuyển quốc gia. Quan sát đường phố "rực rỡ cờ hoa" sau mỗi lần đội tuyển Việt Nam chiến thắng, dù là với một đối thủ yếu như Campuchia, nhiều người có chung cảm nhận về nguồn năng lượng rất lớn đang được thể hiện. Như vậy, bóng đá là lý do để xuống đường ăn mừng, để thể hiện tình cảm màu cờ sắc áo. Nhưng cùng với đó, có phải là vì nhiều bạn trẻ đang thiếu nơi giải tỏa năng lượng? Thậm chí là thiếu niềm vui?
Trường đua Phú Thọ một thời lừng lẫy (Minh họa từ internet)
Những trường đua đã từng du nhập vào Thăng Long từ cuối thế kỷ 19 cùng bước chân của những người lính Pháp. Theo sử liệu, từ năm 1889, Hội Đua ngựa Hà Nội đã đề nghị Thống sứ Bắc Kỳ cấp khu đất mà ngày nay là Cung văn hoá hữu nghị Việt - Xô để làm trường đua với diện tích hơn 94.000 m2. Năm 1899, trường đua dời về gần vườn Bách Thảo, thuộc các làng Ngọc Hà, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Kim Mã và Vạn Phúc. Phủ Toàn quyền lúc đó đã chi 12.000 đồng Đông Dương để đền bù đất đai, hoa màu cho các làng.
Môn đua ngựa phát triển trong nhiều năm ở Hà Nội rồi lụi tàn dần vào nửa đầu thập niên 1940. Sau nhiều biến cố lịch sử, không gian rộng lớn của trường đua ngày ấy giờ vẫn còn lại tên gọi Cung thể thao Quần Ngựa - nằm lọt thỏm trong một khu dân cư đông đúc ở quận Ba Đình.
Với quy hoạch vừa được Hà Nội phê duyệt, tổ hợp giải trí, trường đua ngựa 500 triệu USD sẽ xây dựng tại huyện Sóc Sơn, dự kiến đi vào hoạt động sau năm 2021. Giải đua F1 dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020 và bán vé trước đó một năm.
Nhà tôi khá gần khu vực Mỹ Đình, nơi dự kiến có đường đua F1 dài 5,5 km. Khi tôi chia sẻ thông tin này với con trai, cậu tỏ ra hào hứng với khả năng được xem đua xe Công thức một mà không phải đi xa.
Gia đình tôi cố gắng dành dụm để mỗi năm đi du lịch một lần, và thường chọn nơi có bãi biển hoặc di sản văn hoá lớn. Có không ít lựa chọn với tiêu chí như vậy. Tuy nhiên, một lần cậu con trai hỏi tôi có nơi nào "mới mẻ, khác biệt, hấp dẫn", tôi nghĩ mãi các địa danh du lịch trong nước, cuối cùng chỉ kể được một vài cái tên bao gồm "pháo hoa Đà Nẵng".
Tình trạng sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu và trùng lặp là vấn đề ở tầm quốc gia. Những năm gần đây, với sự tham gia của một số doanh nghiệp tư nhân lớn, nhiều tỉnh, thành đã chuyển động và du khách có thể cảm nhận sự thay đổi. Nhưng để du lịch trở thành "ngành kinh tế mũi nhọn" như kỳ vọng, chắc chắn còn cả chặng đường dài.
Đơn cử TP HCM vốn là một trung tâm kinh tế năng động nhất nước, nhưng câu nói vui của du khách nhiều năm qua "đêm ở Sài Gòn không biết làm gì", vẫn được nhắc đi nhắc lại. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, mặc dù số du khách đến TP HCM tăng đều qua các năm, nhưng số ngày lưu trú và chi tiêu còn khiêm tốn, khoảng 145 USD/người/ngày với du khách quốc tế - gấp đôi mức chi tiêu của khách nội địa - và thời gian lưu trú bình quân là 5,21 ngày. Một trong những lý do khiến du lịch TP HCM chưa có đột phá là thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Tiếp cận từ góc độ du khách, ngoài các di tích truyền thống, trung tâm mua sắm... TP HCM còn thiếu chỗ chơi thú vị, thiếu một lý do thôi thúc họ phải đặt phòng từ trước cả tháng.
Việc khai thác và phát triển du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên, di tích, làng nghề và di sản văn hoá... là hướng đi đúng, nhưng đi nhiều sẽ thành lối mòn. Chẳng hạn du lịch Huế dĩ nhiên phải dựa vào đền đài lăng tẩm; du lịch Tây Bắc trông chờ vào những mùa ruộng bậc thang lúa chín, chỉ đôi tháng trong năm.
Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đầu tiên được tổ chức vào 29/3/2008. Trong bối cảnh Chính phủ ban hành lệnh cấm bắn và sản xuất pháo từ năm 1995, Đà Nẵng đã "lách luật" bằng cách triển khai vào ngày kỷ niệm Giải phóng thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên người dân được xem trình diễn pháo hoa trên nền nhạc. Điều mà Đà Nẵng không thể ngờ, đó là 30.000 đến 40.000 khách xếp kín trong khán đài, dọc hai bờ sông cũng như trên cầu quay sông Hàn đón xem sự kiện này. Và nay, dịp 30/4 và 1/5 năm 2018, cùng với lễ hội pháo hoa, Đà Nẵng đón hơn 355.000 nghìn lượt du khách cả trong nước và quốc tế, tương đương 1/3 số dân thành phố.
Câu chuyện Đà Nẵng cho thấy để tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng không dễ dàng trong ngày một ngày hai. Nhiều khi chính lãnh đạo phải khởi xướng, cùng với ngành du lịch vượt qua các rào cản về cơ chế, chính sách và thậm chí là sức ép dư luận; như cách Đà Nẵng đã "lách luật" để bắn pháo hoa lần đầu tiên, rồi lãnh đạo lặn lội ra Trung ương xin giấy phép, ngồi lại với các sở ngành giải bài toán "không được dùng ngân sách tổ chức"... Bản thân Hà Nội, đã khởi động cho trường đua F1 từ tận năm 2016.
Còn quá sớm để nói rằng Hà Nội sẽ thành công với các trường đua hay không. Sài Gòn trước kia cũng từng có trường đua ngựa Phú Thọ với lịch sử 80 năm và đã đóng cửa vào năm 2011. Malaysia cũng ngừng đăng cai F1 từ năm 2018 sau nhiều năm có tên trên bản đồ các chặng đua với lý do "thu không đủ bù chi".
Người dân có quyền đặt câu hỏi về sự cần thiết và tính minh bạch đối với các sự kiện lớn diễn ra trong thành phố mình sinh sống. Nhưng, nếu Hà Nội không làm gì thì vẫn chỉ có Hồ Gươm trầm mặc và một số điểm đến quen thuộc khác.
Sản phẩm du lịch cũng là một trong những nội dung sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra vào 5-6/12 này.
Cũng trong khu vực Đông Nam Á, ông Lý Quang Diệu từng phản đối việc cho phép tổ chức cuộc đua xe Công thức một ở quốc đảo sư tử vì sợ giới trẻ sinh tật lái xe ẩu. Nhưng sau đó ông đã hối tiếc. Singapore cuối cùng cho phép F1 đua trên đường phố trong nỗ lực quảng bá hình ảnh và thu hút những du khách quốc tế giàu có.
Cuộc đua tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch không cho phép ai ngồi yên. Ngày ấy, nếu lãnh đạo Đà Nẵng không trăn trở và tìm tòi thì đã không có thương hiệu độc quyền pháo hoa hôm nay?