Chùa Hương là di tích quốc gia đặc biệt, rất nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: TT.
Lo ngại dự án chồng dự án
Như đã thông tin, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội về việc doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.
Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 15.000 tỉ đồng, quy mô 1.000 ha, trong đó 350 ha là đất phục vụ du lịch.
Chủ đầu tư cho biết, nếu được triển khai, khu du lịch sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và thu ngân sách 1.000 tỉ đồng/năm.
Đáng chú ý, báo cáo thể hiện nội dung: Xuân Trường đề nghị Nhà nước đầu tư toàn bộ cho giải phóng mặt bằng và hạ tầng, còn Xuân Trường chỉ đầu tư xây dựng các khu tâm linh, khu dịch vụ…
Quy hoạch không gian kiến trúc khu du lịch Hương Sơn (Hà Nội).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đề cập đến việc sẽ xây dựng một số trạm thu phí đề đón luồng khách từ các tỉnh thành lân cận.
Liên quan đến dự án trên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch UBND xã Hương Sơn (Mỹ Đức) cho biết, đơn vị này mới chỉ nhận được văn bản của doanh nghiệp Xuân Trường về đề xuất triển khai dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn.
Ngoài ra, UBND xã chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo nào từ phía TP.Hà Nội và huyện Mỹ Đức; động thái mới từ phía doanh nghiệp.
“Trước doanh nghiệp Xuân Trường cũng có một tập đoàn khác đang theo đuổi dự án đầu tư về chùa Hương đã gần 10 năm nay. Việc dự án chồng dự án như thế này, chúng tôi rất lo ngại và hiện vẫn chờ quyết định của các cấp”, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay.
Nên cẩn trọng
Trong khi chính quyền địa phương vẫn còn khá mơ hồ về đề xuất của doanh nghiệp thì các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa – tín ngưỡng lại khá băn khoăn.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chùa Hương là một di sản văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ nên việc can thiệp vào Di sản phải hết sức cân nhắc, bắt buộc phải đảm bảo yếu tố hàng đầu là tôn trọng nguyên trạng của di sản.
PGS.TS Lê Quý Đức. Ảnh: Nguoiduatin.vn.
“Phải đặt ra là đầu tư chục ngàn tỉ vào đây thì đã cần thiết hay chưa? Dù là tiền của tư nhân nhưng phát triển di sản phải đảm bảo hài hòa, theo đúng tinh thần nghị quyết Trung ương 5”, PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định.
Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du Lịch Vương Duy Biên thẳng thắn: "Đầu tiên tôi phải nói luôn là tôi không đồng tình. Bởi, đã là di sản văn hóa là không được xâm phạm, chúng ta phải tôn trọng không gian di sản".
Theo vị cựu quan chức ngành văn hóa, phát triển du lịch là rất tốt nhưng bên cạnh đó cũng phải có biện pháp gìn giữ, đặc biệt là những di sản quý như chùa Hương.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên. Ảnh: Viettimes
Ông nói: "Một số nước người ta coi trọng phát triển du lịch nhưng cũng phải có kế hoạch hạn chế khách du lịch tới một số địa điểm vì lý do quá tải nhằm mục đích bảo vệ di sản".
Cũng theo ông Biên, cốt lõi của văn hóa là tự hấp dẫn khách du lịch chứ không phải là xoay các yếu tố văn hóa để chạy theo du lịch.
Dòng suối Yến có lịch sử văn hóa, có thiên nhiên mang bản sắc tâm linh mà bây giờ doanh nghiệp lại đề xuất nắn dòng, thương mại hóa thì sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái...
Nằm ngoài danh mục quy hoạch
Theo Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì tại khu vực Hà Nội chỉ có 2 địa điểm nằm trong quy hoạch là Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai và Khu du lịch Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.