Dưới sự lãnh đạo của Ban Điều hành và Chủ tịch mới, GBA tập trung đẩy mạnh tương tác với các thành viên hiệp hội, mở rộng tầm vóc tại miền Bắc và thúc đẩy các sáng kiến phát triển chiến lược nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương Việt - Đức
Quý I/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng cho GBA, với việc bầu ra 15 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc vào hội đồng, đại diện cho các lĩnh vực và ngành nghề đa dạng. Đại hội Thường niên (AGM) diễn ra đồng thời tại Hà Nội và TP HCM đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng GBA, tái khẳng định lòng tin vào ban lãnh đạo và tầm nhìn của hiệp hội.
Ban lãnh đạo GBA tại Đại hội thường niên 2024
Theo ông Alexander Ziehe, tân chủ tịch GBA, mục tiêu và chiến lược hành động động của GBA trong năm 2024 bao gồm 2 thành tố chính. Ưu tiên số một của GBA vẫn là theo đuổi mục tiêu kiên định: tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức - Việt thông qua thúc đẩy quyền lợi của các thành viên GBA và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.
Ngay trong quý I năm 2024, cam kết của GBA trong việc tạo dựng mối liên kết mạnh mẽ Đức - Việt đã được thể hiện rõ nét bằng lịch trình sự kiện và hoạt động đa dạng. Trong số các hoạt động này, hội nghị bàn tròn với Tổng thống Liên bang Đức, Frank-Walter Steinmeier tại TP HCM là một điểm nhấn đáng chú ý.
Hội nghị bàn tròn giữa Tổng thống Đức Steinmeier và cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam
Sự kiện được trông chờ nhất là Lễ hội Oktoberfest của GBA, sẽ được diễn ra tại cả 3 miền, tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM trong tháng 9 và 10-2024. Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên, Giải thưởng Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam sẽ được GBA đăng cai tổ chức.
Trước đây, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này đều có các nhóm ngành công nghiệp Đức đã được thiết lập lâu đời, như ngành ô tô ở Thái Lan, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Singapore.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện tại, ông Alexander Ziehe, chủ tịch GBA, nhận định: "Xu hướng đang dần thay đổi khi Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn. Các nhà đầu tư Đức đang ưu tiên mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam thay vì Trung Quốc, do thị trường Việt Nam có mức chi phí đầu vào thấp hơn, vị trí địa lý thuận lợi, cũng như chuỗi cung ứng gần Trung Quốc. Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư Đức bởi thị trường người tiêu dùng trung lưu ngày càng lớn mạnh".