Với nhiều ưu điểm vượt trội cùng giá cả vừa phải, sàn gỗ công nghiệp hiện đang được rất nhiều gia đình sử dụng. Vậy loại sàn này có đặc tính thế nào, ưu nhược điểm ra sao và cần lưu ý những gì khi sử dụng?
Sàn gỗ mang đến vẻ đẹp sang trọng cho không gian sống - Ảnh: Internet
Sàn gỗ công nghiệp là gì?
Sàn gỗ công nghiệp là vật liệu được sản xuất bằng cách ép bột gỗ tự nhiên với tỷ lệ 80-85% thành các tấm gỗ HDF để thay thế loại vât liệu truyền thống là sàn gỗ tự nhiên.
Về cấu tạo, sàn gỗ công nghiệp có 4 lớp từ ngoài vào trong là: lớp bề mặt laminate, lớp vân gỗ, lớp lõi HDF và lớp cân bằng chống ẩm, mối mọt.
Ưu điểm của sàn gỗ công nghiệp?
Ưu điểm nổi trội của sàn gỗ công nghiệp là có khả năng chống mối mọt, chống cong vênh và chịu nhiệt tốt.
Bề mặt sàn gỗ công nghiệp được phủ một lớp melamine nên hạn chế được sự trầy xước hay những tác động từ hóa chất và môi trường bên ngoài nên màu sắc sàn không bị thay đổi.
Cũng tương tự như sàn gỗ tự nhiên, sàn gỗ công nghiệp có độ thẩm thấu nước nhất định. Vì vậy, trong điều kiện độ ẩm không khí cao, sàn gỗ sẽ không xảy ra hiện tượng đọng nước như gạch men.
Màu sắc, mẫu mã, kiểu vân gỗ của sàn công nghiệp cũng đa dạng hơn sàn gỗ tự nhiên, mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Về giá cả, sàn gỗ công nghiệp rẻ hơn nhiều so với sàn gỗ tự nhiên, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp, với mức giá dao động trong khoảng 200.000-650.000 đồng/m2.
Ngoài những ưu điểm về đặc tính và giá cả, việc thi công sàn gỗ công nghiệp cũng rất đơn giản, nhanh chóng.
Các tấm ván đã được sản xuất hoàn chỉnh tại nhà máy nên khi lắp đặt xong có thể sử dụng ngay. Cũng bởi giữa các tấm ván có ít khe hở, các mối nối được ghép khít nên việc vệ sinh sàn cũng thuận tiện hơn so với sàn gỗ tự nhiên.
Loại sàn gỗ công nghiệp nào được sử dụng phổ biến nhất?
Trên thị trường có rất nhiều loại sàn gỗ công nghiệp được bày bán, mỗi loại sàn có những đặc tính riêng.
Trước khi chọn mua, gia chủ nên tìm hiểu kỹ về các loại sàn, ưu và nhược điểm của từng loại để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Dưới đây là 5 loại sàn gỗ công nghiệp phổ biến nhất trên thị trường:
Sàn gỗ công nghiệp Thụy Sỹ
KronoSwiss là thương hiệu sàn gỗ công nghiệp Thụy Sỹ phổ biến nhất tại Việt Nam. Đây là dòng sàn gỗ cao cấp có chất lượng thuộc vào hàng tốt nhất hiện nay. Bởi vậy, giá loại sàn này thường cao hơn những loại sàn gỗ nhập khẩu khác, khoảng 400.000-600.000 đồng/m2.
Mẫu mã sàn KronoSwiss khá đa dạng, phù hợp với nhiều phong cách nội thất khác nhau. Về chất lượng, sàn KronoSwiss chống nước tốt, có khả năng chống mài mòn, chịu được va đập và không chứa nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Với độ giãn nở ở mức dưới 3%, có thể ngâm nước trong 72 giờ mà không bị cong vênh nên loại sàn gỗ này ngày càng được ưa chuộng.
Trên thị trường có rất nhiều loại sàn gỗ công nghiệp có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau - Ảnh: Internet
Sàn gỗ công nghiệp Đức
Một số loại sàn gỗ công nghiệp Đức phổ biến nhất phải kể đến là Kronotex, Hornitex, Meister, My Floor… Được sử dụng nhiều hơn cả là sàn Kronotex. Cấu trúc bề mặt của loại sàn này khá phong phú và tinh tế. Giá loại sàn này rơi vào khoảng 400.000-500.000 đồng/m2.
Sàn gỗ công nghiệp Đức cũng được đánh giá là có độ bền màu và tuổi thọ cao. Hơn nữa, loại sàn này còn có khả năng chịu nước, độ giãn nở 8%, có thể ngâm nước trong 24 giờ.
Sàn gỗ Trung Quốc
Sàn gỗ công nghiệp Trung Quốc chiếm đến hơn 50% sàn gỗ trên nước ta hiện nay. Sở dĩ như thế là do loại sàn này có mẫu mã đẹp mắt, chất lượng ổn và giá cả hợp lý, khoảng 130.000-200.000 đồng/m2.
So với các loại sàn gỗ châu Âu, chất lượng sàn gỗ Trung Quốc có phần kém hơn, độ bền, khả năng chịu nước, chịu nhiệt, chống chầy xước, va đập… cũng thấp hơn.
Một số thương hiệu sàn gỗ Trung Quốc bạn có thể tham khảo là Shophia, Aurotex, Pharaon, Kanda, Worldfloor, Kantex, Nanotex, Eurohome…
Mỗi loại sàn gỗ công nghiệp sẽ có những đặc tính riêng - Ảnh: Internet
Sàn gỗ Malaysia
Sàn gỗ Malaysia cũng chiếm thị phần khá lớn tại Việt Nam, được nhiều khách hàng tin tưởng về cả chất lượng và mẫu mã.
Loại sàn này được biết đến với nhiều thương hiệu như Robina, Inovar, Janmi. Tính năng của loại sàn này khá tốt, chịu ẩm, chịu nước tốt và khá phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam.
Có nghiên cứu cho rằng, loại sàn này thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế đến 100%. Giá sàn gỗ Malaysia rơi vào khoảng 250.000-400.000 đồng/m2.
Sàn gỗ Thái Lan
Đây là loại sàn gỗ có khả năng chịu nước trên 12 giờ. So với sàn gỗ Malaysia, giá sàn gỗ Thái Lan rẻ hơn, khoảng 200.000-300.000 đồng/m2.
Về hình thức, sàn gỗ Thái Lan không nhiều vân và bóng bẩy như sàn gỗ Trung Quốc nhưng khi sử dụng trên diện tích lớn, màu sắc lên rất tự nhiên và sang trọng.
Các thương hiệu nổi tiếng của loại sàn này là Thaixin, Vanatur, Vanachai…
Lưu ý gì khi sử dụng sàn gỗ công nghiệp?
Sau khi chọn được loại sàn phù hợp, gia chủ nên lưu ý những điều dưới đây khi sử dụng:
- Sàn công nghiệp chỉ thích hợp lát trong nhà, không nên để sàn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Những khu vực ngoài trời như ban công, hành lang, sân vườn nên chọn loại gỗ lát ngoài trời hoặc chọn loại gạch chuyên dụng cho khu vực này.
- Phòng ngủ có diện tích trung bình và nhỏ nên lát sàn dày 8mm có xuất xứ Thái Lan, Malaysia hoặc Thụy Sỹ.
- Sử dụng sàn gỗ dày 12mm cho những khu vực rộng.
- Chọn loại sàn chống mài mòn tốt cho những khu vực thường xuyên đi lại.
Sử dụng và vệ sinh sàn gỗ đúng cách sẽ đảm bảo độ bền đẹp của sàn - Ảnh: Internet
Vệ sinh và bảo quản sàn gỗ công nghiệp thế nào cho đúng cách?
Để đảm bảo độ bền đẹp và tăng tuổi thọ cho sàn gỗ, việc vệ sinh sàn rất quan trọng và cần thực hiện đúng cách.
- Thường xuyên quét dọn, tránh để bụi bẩn rơi trên mặt sàn khiến mặt sàn bị trầy xước. Bạn cũng nên sử dụng thảm ở cửa ra vào phòng.
- Độ ẩm trong phòng nên để ở mức phù hợp. Độ ẩm lý tưởng của sàn gỗ là 40-50% ở 20°C.
- Lau sàn bằng nước ấm là một cách rất tốt để làm sạch bề mặt sàn. Nhưng bạn chỉ nên áp dụng với những loại sàn chịu nước tốt như sàn gỗ Thụy Sỹ, Malaysia.
- Không dùng hóa chất tẩy rửa mạnh hoặc dụng cụ đánh bóng sàn. Bạn có thể dùng rượu trắng, dấm hoặc cồn pha methylate để lau sạch vết bẩn trên sàn.
- Tránh đổ nước ra sàn.
- Sử dụng bàn ghế có lắp nút nhựa hoặc cao su ở phần chân để khi xê dịch không làm xước sàn.
- Không đặt vật quá nặng hoặc có nhiệt độ cao trực tiếp xuống sàn.