Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, ông Troy Griffiths cho biết bất động sản công nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cũng đang chịu rất nhiều tác động của điểm yếu hạ tầng. Biến số hạ tầng đã và đang ảnh hưởng lớn đến khách thuê bất động sản công nghiệp.
Điểm yếu lớn nhất về hạ tầng là toàn thị trường thiếu sự quy hoạch, kết nối chặt chẽ theo cụm. Trong tổng số 190 khách thuê khu công nghiệp chia theo ngành kinh tế tại thị trường Việt Nam, các nhóm ngành từ bán buôn và bán lẻ đến sửa chữa ôtô, xe máy, mô tô và xe có động cơ khác đều thiếu sự kết nối khi thuê khu công nghiệp. Tình trạng chung là các nhóm ngành liên quan nhau nhưng đều được bố trí rời rạc. Trên thực tế các khách thuê này nằm rải rác trên khắp cả nước và chưa được quy hoạch tập trung.
Tại các quốc gia công nghiệp hóa cao, việc phát triển tập trung theo ngành công nghiệp riêng biệt trở nên quan trọng. Bởi lẽ hoạt động theo cụm giúp đem đến hiệu quả vận hành, giúp các bước trong quy trình sản xuất nằm gần nhau và được đồng bộ hóa. Giá trị của việc tập trung phát triển theo cụm đã được ghi nhận cho các lĩnh vực công nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên, đây lại chính là điểm yếu và còn thiếu của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ảnh: JLL
Theo ông Troy Griffiths, việc tập trung các khu vực lại theo ngành công nghiệp sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các khách thuê, thay cho bối cảnh các ngành công nghiệp tách biệt và rải rác trên khắp cả nước hiện nay. Chuyên gia này khuyến nghị, bất động sản công nghiệp Việt Nam cần được quy hoạch bài bản các cụm công nghiệp theo ngành nghề, được định hướng phát triển thông qua chính sách của chính phủ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam xác nhận có sự tăng trưởng ở số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, khách thuê nhà xưởng và cả nhà phát triển bất động sản công nghiệp đều vấp phải không ít rào cản.
Một số thách thức thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đối mặt là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng dù ngân sách khá cao khi so sánh với các nước khác cùng khu vực. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam bị hoãn do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hút vốn. Thêm vào đó, thời gian làm thủ tục kéo dài và chi phí thủ tục hành chính cao, bao gồm chi phí tài liệu cao và thủ tục hải quan kém hiệu quả khi so sánh với các nước lân cận trong khu vực.
Ông Stephen cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài và luôn đón đầu xu hướng, đặc biệt là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính.