Cần xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Xây dựng về việc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Trong văn bản, HoREA cho biết, TP HCM có dân số khoảng 13 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư. Mỗi năm tăng dân số khoảng 200.000 người, trong đó tăng cơ học khoảng 140.000 người, có khoảng 60.000 cháu chào đời và 50.000 cặp kết hôn. Hiện nay, TP HCM có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó, có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở. Đó là chưa kể, còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người.
Văn bản trình Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Xây dựng về việc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị của HoREA.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, từ năm 1990, TP HCM đã xây dựng 1.000 căn nhà ở xã hội bán trả góp trong thời hạn 10 năm, đạt hiệu quả rất tốt. Đáng chú ý, khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Trong đó, 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
"Sau 3 năm thực hiện chính sách này, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. Riêng tại TP HCM, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân (chiếm tỷ lệ 18,3% đối tượng được vay ưu đãi), đã vay 5.575 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456 tỷ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5% gói tín dụng ưu đãi)", văn bản cho biết.
Theo HoREA, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/04/2017 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần khoảng 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng, trong lúc Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.
HoREA cho rằng, hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị trở ngại do chưa bố trí được đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Trong khi đó, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã có tác động làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.
"Đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, HoREA đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 04 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. Đây là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội", HoREA kiến nghị.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị thực hiện thống nhất một chính sách về tiết kiệm nhà ở xã hội và lãi suất vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Chưa hết, hiệp hội này còn kiến nghị, người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội.