BĐS công nghiệp điểm sáng năm 2019. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Đòn bẩy là du lịch và công nghiệp phát triển
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,46 tỷ USD. Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cùng với sự tăng trưởng của thị trường công nghiệp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới chuyển hướng đầu tư. Trung Quốc - nơi được gọi là “phân xưởng của thế giới” không còn là lựa chọn ưu tiên như trước đây, hướng đầu tư đã chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng. Ngoài ra, BĐS công nghiệp Việt Nam cũng đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có chi phí sản xuất thấp hơn cả Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch trong năm 2018 cũng đạt mức tăng trưởng theo kỳ vọng. Lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 đạt mốc 15 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ trong hai năm gần đây mà trong suốt một thập kỷ vừa qua với tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế được ghi nhận cao gấp ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu và gấp hai lần so với tỷ lệ tăng trưởng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Sự phát triển của thị trường du lịch tác động gián tiếp đến sự phát triển của bất động sản công nghiệp. Nhu cầu về thương mại, công nghiệp chế biến, logistics sẽ tăng theo nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch.
Đô thị công nghiệp vùng ven sẽ phát triển?
Đến năm 2018, Việt Nam đã có 80.000 ha đất dành cho phát triển khu công nghiệp tập trung tại ba khu chính, bao gồm: Khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam (thống kê của Công ty quản lý bất động sản Jones Lang Lasalle). BĐS công nghiệp đang dần vượt quá nguồn cung tại các khu công nghiệp vận hành tốt với tổng tỷ lệ lắp đầy đạt 73%.
Một số dự án có số vốn đầu tư lớn vào khu công nghiệp như: Dự án mở rộng nhà máy của công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD tại khu công nghiệp Cái Mép; Dự án công ty TNHH Laguna (Việt Nam) điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD...
Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp thuê nhà xưởng, kho bãi, một số doanh nghiệp phát triển BĐS công nghiệp cũng đang tăng tốc đầu tư nhằm đón đầu cơ hội các nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng cho rằng, trong năm 2019 bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng trên thị trường. Sự chuyển dịch của nhà đầu tư nước ngoài, chọn Việt Nam là nơi xây dựng nhà máy, khu chế tạo thể hiện qua việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng những năm gần đây. Đây là điều kiện thuận lợi cho bất động sản công nghiệp phát triển.
“BĐS công nghiệp tăng trưởng sẽ tập trung vào các tỉnh vùng ven Hà Nội và TP HCM, hình thành các khu đô thị công nghiệp vệ tinh. Giá trị đất công nghiệp, kho, bến bãi tăng lên, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao phản ánh sự phát triển của phân khúc BĐS công nghiệp” - ông Điệp nói.
Việc đầu tư và phát triển công nghiệp, BĐS công nghiệp cũng đặt ra những thách thức. Phát triển công nghiệp cần có chiến lược cụ thể phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, có hàm lượng chất xám cao thích ứng với cuộc cách mạng khoa học 4.0. Với bất động sản công nghiệp cần quy hoạch, định hướng phát triển một các dài hơi, ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.