Tỷ lệ cháy thấp
Ngày 23-3, vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8) đã cướp đi sinh mạng của 13 người, cùng với đó là 48 người bị thương.
Vụ cháy đã khiến cho thị trường căn hộ chao đảo, người dân đang sống tại chung cư hoang mang về chất lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) của chung cư mình. Trong khi đó, nhiều người đang chuẩn bị tìm mua căn hộ tỏ ra lo lắng, xuất hiện tâm lý tẩy chay chung cư do lo ngại hiểm họa xảy ra.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết ngay sau vụ cháy chung cư Carina, hàng loạt khách hàng đặt mua căn hộ bên anh đã đồng loạt gọi điện yêu cầu huỷ cọc, dù công ty có giải thích, trình bày như thế nào. "Điều này quả thật khiến doanh nghiệp chúng tôi lâm vào cảnh khó khăn, bởi chỉ một vụ cháy, đâu thể nào quy kết hết cho các chung cư khác là mất an toàn".
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP HCM, trong năm 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra hơn 1.270 vụ tai nạn và sự cố liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn - cứu hộ.
Trong đó, xảy ra 1.000 vụ cháy, làm 26 người chết, bị thương 44 người, thiệt hại hơn 92,5 tỷ đồng.
Đại tá Đoàn Văn Chón, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết các vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra chủ yếu tại nhà ở hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất, chiếm đến 70%.
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), từ năm 2012 cho đến tháng 09-2016, toàn TP chỉ mới xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở.
Điều này, đã đặt ra câu hỏi, liệu nhà phố, có an toàn về cháy nổ hơn những cao ốc, chung cư?
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng xét toàn diện, chung cư vẫn có độ an toàn về PCCC cao hơn nhà phố.
Theo ông Đực, hiện nay, số lượng người sống trong chung cư tại TP HCM chiếm khoảng 15% dân số.
Thế nhưng, trong 20 – 30 năm qua, số lượng người chết do cháy trong chung cư tương đối ít, chỉ có 2 vụ cháy nghiêm trọng là chung cư ITC năm 2002 và mới đây nhất là chung cư Carina.
Cũng trong thời gian này, con số người chết do cháy tại nhà phố có thể lên tới vài ngàn người.
Lý giải điều này, ông Đực cho rằng, nguyên nhân cháy trong chung cư hay nhà phố phần lớn là do chập điện. Và hệ thống dẫn điện trong nhà phố thường được thi công sơ sài hơn chung cư. Bên cạnh đó, nhà phố thường ít được thực tập về kiến thức PCCC, không có đội ngũ có "nghề" để xử lý kịp thời khi xảy ra cháy…
"Nhà phố, 3 mặt giáp 3 nhà khác, còn mặt tiền thì khoá 3, 4 lớp do lo ngại trộm cướp, nên hễ xảy ra cháy là chết", ông Đực nói.
Chung cư có tỷ lệ cháy và số người chết thấp hơn nhiều so với nhà phố.
Lý giải về tâm lý lo ngại của người dân, ông Đực cho rằng, số người chết do cháy nhà phố gấp nhiều lần chung cư nhưng không gây được hiệu ứng tâm lý, là bởi con số người thiệt hại mỗi lần chỉ 2, 3 người. Còn ở đây, là 13 người nên đã gây sốc cho toàn xã hội. Từ đó xuất hiện suy nghĩ sai lầm là nhà phố an toàn hơn chung cư.
"Ở đây, cũng phải nói đến sự xui rủi cho Carina. Bởi chung cư này có thiết kế không hay, hệ thống quản lý vận hành, PCCC, thông báo cho người dân quá tồi tệ nên mới xảy ra thảm hoạ. Chứ nếu gặp chung cư khác, có thể cháy nhưng chưa chắc đã xảy ra thương vong về người. Đây chính là bài học đau xót, khiến cho các chủ đầu tư, cư dân có cái nhìn mới về PCCC, từ đó xây dựng một quy trình vận hành mới, đảm bảo an toàn hơn từ nay trở về sau", ông Đực đánh giá.
Cần sự phối hợp giữa nhiều đơn vị liên quan
Theo báo cáo của HoREA, hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 tại TP hiện đều không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
Trong khi đó, nhiều chung cư, nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy.
Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu dành đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố. Cũng có trường hợp, chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...
Nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội, và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng.
Trong đó, công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy.
Nguy hiểm hơn, có nơi cư dân hoặc Ban quản lý tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền"; Cửa ngăn khói các tầng bị chèn, mở thông, để tiện đi lại mà nếu xảy cháy thì không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập; Lối thoát hiểm một số chung cư bị chiếm dụng, không còn tác dụng thoát hiểm khi xảy cháy…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng hiện nay, hệ thống pháp luật về PCCC đã tương đối đầy đủ, nếu được tất cả các chủ thể có liên quan quán triệt, chấp hành, thực hiện nghiêm túc thì đã không xảy ra nhiều vụ cháy như vừa qua, nhất là vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza ngày 23-3.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra để đảm bảo trách nhiệm thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của các chủ đầu tư dự án, các đơn vị thi công, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư và các hộ dân đang sống trong chung cư…
"Trước đây, khi dự kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2006 thì đã có một đề xuất về việc sau khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình nhà chung cư đạt yêu cầu, thì phải thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra và Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, để bàn giao nhà cho dân vào ở. Nhưng đề xuất này chưa được đưa vào Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Do vậy, rất cần thiết bổ sung khi sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản sắp tới", ông Châu cho biết.