Thời gian ngôi nhà có mặt trên thị trường
Nếu muốn biết ngôi nhà bạn muốn mua được rao bán trên thị trường bao lâu, bạn nên tìm hiểu qua các đại lý và trung gian. Khách mua cần xác định rõ, so với thời gian trung bình để bán một bất động sản tương tự, thời gian rao bán căn nhà này có lâu hơn không?
Theo các chuyên gia bất động sản, việc biết rõ mức giá bình quân của ngôi nhà bạn đang quan tâm là điều rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, so với những ngôi giá bình dân, các căn nhà giá cao thường có mặt trên thị trường lâu hơn.
Khi đi mua nhà lần đầu, bạn cần tập luyện cho mình thói quen nếu không mua được ngôi nhà này thì vẫn còn những căn khác tốt hơn đang chờ bạn.
Phải tìm hiểu kỹ về ngôi nhà trước khi quyết định ''xuống tiền'' để mua.
Bỏ ngay tâm lý vội vã
Bạn không nên vì một ngôi nhà đẹp rồi cố mua cho bằng mọi giá, điều này sẽ khiến bạn dễ sa đà vào bẫy và mua hớ. Trong trường hợp bạn đang lưỡng lự với căn nhà đang xem, hãy tạm gác lại việc mua nhà, tìm thêm những ngôi nhà mới rồi đưa ra so sánh kỹ lưỡng.
Phải kiểm tra nhà trước khi mua
Rất nhiều người thiếu kinh nghiệm đồng ý đặt cọc, thậm chí mua nhà trước khi kiểm tra. Bỏ qua khâu kiểm tra là một sai lầm rất lớn. Không chỉ đơn thuần là một hình thức, kiểm tra còn giúp bạn làm chậm quá trình mua bán, phát hiện những vấn đề chính của ngôi nhà trước khi hoàn thành quá trình mua bán, và có thể tìm ra cách để hạ giá nhà xuống thấp hơn mức đang được rao bán.
Những thỏa thuận vẫn có thể thay đổi
Khi cả người bán và người mua đã thống nhất số tiền và cách thức trả không có nghĩa là mọi thứ không thể thay đổi. Nếu các vấn đề liên quan đến ngôi nhà xuất hiện trong quá trình bạn kiểm tra, hoặc người bán yêu cầu kết thúc quá trình mua bán nhanh chóng bất thường, bạn vẫn có thể bớt được một số tiền lớn.
Thông qua người môi giới
Mặc dù bạn có thể tự đi tìm nhà nhưng bạn vẫn nên làm việc với các công ty môi giới nhà đất hoặc những người môi giới có kinh nghiệm, uy tín. Họ sẽ giúp bạn có được một cái nhìn tổng thể, so sánh thị trường, tránh được những ngôi nhà có vấn đề và hướng dẫn bạn trong quá trình thương thảo.
Giá nhà có tăng cũng có giảm
Khi giá đất giảm mạnh, nhiều người đầu cơ nhà đất đã trực tiếp học được những rủi ro của đầu tư bất động sản. Tất nhiên, sau đó giá nhà đất tăng trở lại và rất nhiều người mới lại lao vào thị trường. Nếu bạn đang trong quá trình mua một ngôi nhà, bạn nên nhớ rằng cái gì lên được thì cũng có thể xuống được, và hiển nhiên giá nhà cũng không phải ngoại lệ.
Không phải người mua bằng tiền mặt luôn thắng
Tất nhiên người bán nhà yêu thích sự đơn giản sẽ dễ dàng chấp nhận bán cho khách có sẵn tiền hơn là khách có vấn đề tài chính, đang cần một loạt các thủ tục để có thể vay mượn ngân hàng. Nhưng sẵn tiền không phải là yếu tố đảm bảo bạn sẽ thắng. Những người mua nhà sẵn sàng trả giá cao hơn mới là người có nhiều cơ hội sở hữu ngôi nhà hơn.
"> Sau khi đã chắc chắn được số tiền dự kiến để mua nhà, lúc này bạn có thể tìm hiểu các dự án, khoanh các vùng tìm kiếm các căn nhà có giá phù hợp với túi tiền. |
Hạn chế mua lúc thị trường nóng sốt
Đây là quy tắc về thời điểm. Theo nhiều chuyên gia đầu tư bất động sản nhận định, giai đoạn sốt đất là thời điểm không tốt để tiến hành một giao dịch nhà phố. Lý do là bởi cơn sốt đất sẽ tác động mạnh đến tâm lý bên bán, khiến họ tăng giá một cách bừa bãi, vô tội vạ, thiếu cơ sở và tạo nên những mức giá không tưởng trên thị trường.
Ngược lại, cơn sốt đất sẽ khiến người mua rơi vào hoàn cảnh bối rối, tâm lý sợ vuột mất cơ hội nên càng cố mua cho bằng được. Đa số các thương vụ mua nhà phố bị hớ tiền tỷ đã diễn ra trong thời kỳ sốt đất. Do đó, tránh mua trong thời điểm này là giảm thiểu được rất nhiều rủi ro.
Nhà đẹp nhưng nằm trong khu vực không đẹp
Chúng ta đều biết, một ngôi nhà dù đẹp tới mấy cũng sẽ mất giá theo thời gian. Trong khi đó, đất đẹp thường tăng giá trị theo thời gian. Điều này lý giải vì sao những ngôi nhà cũ kỹ nằm trong khu vực đắc địa sẽ có giá trị cao hơn so với những căn nhà mới rộng rãi, thoáng đẹp nhưng lại nằm trong khu đất xấu.
Chính vì thế, bạn cần tìm hiểu kỹ và đánh giá đặc điểm của khu vực ngôi nhà tọa lạc trước khi quyết định xuống tiền. Cụ thể, người mua nên xem xét tới những cơ hội phát triển của khu vực giúp gia tăng giá trị ngôi nhà như trong tương lai có các khu phức hợp ở đây hay không? Các doanh nghiệp mới có đặt trụ sở tại đây... Hoặc xét tới những yếu tố khác như ngôi nhà có gần các trường học tốt, gần trục giao thông thuận lợi, tiện ích công cộng, công viên, bệnh viện... hay không?
Xem giấy chứng nhận sở hữu nhà đất
Sau khi bạn đã chọn được căn nhà thỏa mãn những tiêu chí mà bạn đưa ra thì hãy yêu cầu bên bán cho xem giấy chứng nhận sở hữu nhà đất. Đất nhất định phải có sổ đỏ và nhiệm vụ của bạn là phải xác minh sổ này là giả hay thật. Cách xem nhanh là xem chữ trên sổ này phải rõ nét, màu sắc hài hòa không nhòe mờ, đặc biệt con dấu chìm phải nhìn rõ ràng và sắc nét. Nếu không rõ, bạn có thể nhờ người có nhiều kinh nghiệm giúp trong khâu này và cần thiết có thể mang ra phòng Tài nguyên môi trường của quận, huyện để kiểm tra lại thông tin.
Cuối cùng là ra phòng công chứng
Đây là một bước vô cùng quan trọng trong bất kể một thương vụ mua bán nhà nào. Trước khi làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phòng công chứng sẽ kiểm tra lại tính pháp lý của căn nhà một lần cuối.
Sau khi công chứng, việc thanh toán cần thực hiện tại ngân hàng, không nên thanh toán ở địa điểm khác. Cách tốt nhất là người mua để tiền trong tài khoản, khi mua bán hai bên ra ngân hàng và bên mua chuyển khoản cho bên bán, không mất thời gian kiểm đếm, không sợ tiền giả và không gặp nguy hiểm khi mang số tiền lớn đi đường.
Bạn cũng nên nhớ, không nên thanh toán hết 100% số tiền, hãy giữ lại khoảng 5 - 10% cho đến khi bạn nhận được "sổ đỏ" mới. Nguyên nhân là do trong quá trình làm "sổ đỏ" sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về giấy tờ cần bên bán phải đứng ra giải quyết. Nếu bên bán chậm chễ hoặc không hợp tác thì quá trình làm sổ mới sẽ kéo dài và mất nhiều thời gian.