- Theo UBND TP Hà Nội một số dự án nhà ở xã hội (NƠXH) xa trung tâm xây xong lại “ế” không có người ở trong khi đó nhiều dự án khu trung tâm bị lợi dụng mua đi bán lại trái phép.
Nhiều lỗ hổng, bất cập
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng nêu một loạt những bất cập khiến NƠXH (gồm nhà để bán, cho thuê và cho thuê mua) khó phát triển trên địa bàn.
Một trong những khó khăn, bất cập UBND TP Hà Nội chỉ ra là vấn đề về quỹ đất. Cụ thể, khi phát triển nhà ở xã hội tại các ô đất thuộc quỹ 20% đất ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố phát sinh nhiều bất cập như quy định hiện hành chưa có quy định tỷ lệ % đất ở dành để phát triển nhà xã hội khi lập, thẩm duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chung…Do đó, thiếu tính chủ động khi bố trí quỹ đất, đề xuất dự án xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu theo đúng chương trình, kế hoạch đặt ra.
Một số dự án nhà ở xã hội khu trung tâm phát sinh phức tạp, có tình trạng mua đi bán lại trái quy định.
UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay đang có tình trạng một số dự án NƠXH xây xong rơi vào cảnh “ế” hàng không có người mua . Lý giải về vấn đề này, theo Hà Nội do các dự án nằm tại các khu vực xa trung tâm, chưa đầy đủ hệ thống dịch vụ công cộng và chưa thuận tiện về kết nối hạ tầng với trung tâm thành phố.Hơn nữa theo UBND TP Hà Nội, việc triển khai xây dựng nhà ở nhà xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thường chậm.
Trong khi đó, một số dự án nhà ở xã hội tại các vị trí đất có giá trị cao, có lợi thế thương mại, khi bán nhà khống chế giá bán nên đã phát sinh phức tạp, có tình trạng mua đi bán lại trái quy định.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chỉ ra rằng, hiện nay việc xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ NƠXH thông qua tiền lương, thực trạng nhà đất mà chưa kiểm soát được thông qua tài sản của đối tượng nên khó kiểm soát.
Ngoài ra, việc xác nhận các giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH còn bất cập, nhất là giấy xác nhận về thực trạng nhà ở của chính quyền cấp xã, theo quy định tại thông tư số 20 (năm 2016) thì chỉ được xác nhận 1 lần và có giá trị sử dụng trong thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp xác nhận nhiều lần (đối tượng nộp hồ sơ tại nhiều dự án khác nhau) nên khó kiểm soát.
Trên thực tế, việc xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ NƠXH đã có những sự việc gây bức xúc trong dư luận. Một trong những vụ việc từng nổi đình nổi đám ở thủ đô đã được báo chí phản ánh là việc 3 người nhà Phó TGĐ chủ đầu tư dự án NƠXH Rice City (KĐT Tây Nam Linh Đàm) được xét duyệt mua nhà tại dự án này.
Theo danh sách các đối tượng được xét duyệt mua NOXH đợt 2 tại dự án NƠXH Rice City có 3 người thân của ông Lục Minh Hoàn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam (chủ đầu tư dự án) “lọt” vào danh sách gồm: bố đẻ, vợ và mẹ vợ ông Hoàn. Trong đó, trường hợp ông Lục Minh Kim (bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang – TGĐ và ông Lục Minh Hoàn - Phó TGĐ của BIC Việt Nam) - hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án NOXH Rice City, là 1 trong 5 người (trên tổng số hơn 500 người) đạt số điểm số cao nhất (từ 96-100 điểm).
Khi Sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc chủ đầu tư lấy lí do người mua nhà không nộp tiền nên bị cắt hợp đồng và trả lại hồ sơ, do đó không kịp photo hồ sơ của các đối tượng này để nộp cho Sở Xây dựng.
Tình trạng mua đi bán lại NƠXH chênh hàng trăm triệu đồng cũng không phải là chuyện lạ tại một số dự án thậm chí có căn hộ rao bán chênh tới nửa tỷ đồng .
Kiến nghị một loạt ưu đãi
Trước nhiều bất cập còn tồn tại, UBND TP kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng quy định bổ sung trách nhiệm phát triển NƠXH đối với các dự án nhà ở thương mại đã được giao chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định 100/2015 của Chính phủ có hiệu lực nhưng đến nay chậm triển khai.
Chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát quy hoạch, đẩy nhanh việc di dời ra ngoài nội thành các trụ sở cơ quan, các bệnh viện trường đại học, cao đẳng, dạy nghề thuộc diện trung ương quản lý theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, quy định bổ sung một số nội dung chưa rõ: dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê. Tuy nhiên thực tế có dự án không có hoặc có rất ít đối tượng thuê NƠXH nên gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thu hồi vốn. Việc dành quỹ đất 20% xây dựng NƠXH đối với các khu nghỉ dưỡng resort, các dự án nhà ở thương mại chỉ có nhà ở thấp tầng khu vựcc đô thị… do không phù hợp với quy hoạch để xây dựng chung cư NƠXH...
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã đưa ra một số kiến nghị về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà xã hội. Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng nghiên cứu ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên.
Nghiên cứu các mô hình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, ví dụ phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp. Theo đó doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu, hưởng lợi nhuận định mức, người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp góp vốn và chỉ định chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, cho phép Thành phố chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH đối với các nhà đầu tư đã được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500. Nghiên cứu miễn giảm thủ tục cấp phép xây dựng các công trình thuộc dự án NƠXH.