Theo đó, chỉ tính riêng từ đầu tháng 03/2022 đến nay, giá thép trong nước đã tăng 4 lần với tổng mức tăng 1,8 - 2,2 triệu đồng/tấn. Và tính từ đầu năm 2022 đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 triệu - 17 triệu đồng/tấn lên tầm 19 triệu đồng/tấn.
Giá thép xây dựng đã tăng thêm 4 đợt trong 2 tuần qua và lập đỉnh mới: Vượt 19 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh lần thứ 4, thép Thái Nguyên tăng thêm 460.000 đồng/tấn. Đây là doanh nghiệp có mức tăng giá mạnh nhất. Cụ thể, một tấn thép cuộn CB240 có giá mới 19,3 triệu đồng, thép thanh vằn CB300 D10 là 19,5 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Hòa Phát cũng điều chỉnh tăng thêm 610.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 trên phạm vi 3 miền. Cụ thể, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát có giá 17,12 triệu đồng/tấn vào đầu tháng, tăng lên các mức giá 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 04/3), 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 06/3), 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11/3) và ngày 15/3 là 19 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh đó, các thương hiệu khác như thép miền Nam, thép Việt Đức, Việt Ý cũng có mức tăng đáng kể.
Cụ thể, giá thép Miền Nam loại thép cuộn, thép cây cũng được tăng giá bán 4 lần theo đà tăng giá chung của thị trường thép xây dựng. Giá thép cuộn Miền Nam từ 17,26 triệu đồng/tấn đã tăng lên mức 18,57 triệu đồng/tấn. Thép cây xây dựng loại D10 CB300 giá từ 17,46 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,48 triệu đồng/tấn.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao khiến giá thép tăng lên trong thời gian qua.
Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, cùng với giá nguyên liệu tăng cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng, giá thép có thể tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, năm 2022 có nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn triển khai như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai, sân bay quốc tế Long Thành... cũng sẽ đưa lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng mạnh.