Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ. Ảnh minh họa (nguồn AP).
Dữ liệu mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tổng quan tài sản của người Mỹ trong nửa đầu năm 2020, cho thấy có sự chênh lệch rõ rệt về tài sản theo chủng tộc, tuổi tác và giai cấp.
Cụ thể, trong khi 1% người Mỹ giàu nhất có tổng tài sản lên tới 34,2 nghìn tỷ USD, thì 50% người nghèo nhất - khoảng 165 triệu người - chỉ nắm giữ 2,08 nghìn tỷ USD.
Đặc biệt, 50 người giàu nhất nước này đang nắm giữ tài sản gần 2 nghìn tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tăng 339 tỷ USD so với đầu năm 2020.
Tài sản của 50 người giàu nhất nước Mỹ vẫn "phình to" trong năm đại dịch Covid-19
Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ. Tình trạng mất việc tăng mạnh ở nhóm những người làm dịch vụ lương thấp, đồng thời, virus lây nhiễm và giết chết người da màu. Trong khi đó, nhiều chuyên gia thuộc tầng lớp thượng lưu đang làm việc tại nhà, chứng kiến tài khoản hưu trí của họ tăng giá trị sau khi Bộ Tài chính Mỹ và Fed bơm các biện pháp kích thích nền kinh tế.
Một lý do nữa dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo là đại đa số người Mỹ không được hưởng lợi từ giá cổ phiếu tăng. Dữ liệu của Fed cho thấy 1% giàu nhất sở hữu hơn 50% vốn cổ phần trong các tập đoàn và cổ phiếu quỹ tương hỗ. 9% những người giàu tiếp theo sở hữu hơn một phần ba lượng cổ phần. Điều này đồng nghĩa với việc 10% người Mỹ giàu nhất nắm giữ hơn 88% cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, tài sản của 90% những người ở tầng lớp bên dưới cùng tham gia thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự sụt giảm trong gần hai thập kỷ qua.
Dữ liệu của Fed cũng cho thấy, người Mỹ da trắng nắm giữ 83,9% tài sản của quốc gia, bất chấp việc tỷ lệ người Mỹ da trắng trên tổng dân số đã giảm đi phần nào khi nước Mỹ trở nên đa dạng hơn, còn người da đen vẫn giữ tỷ lệ tương tự như năm 1990.
Trong số 25 người Mỹ giàu nhất, chỉ có một người không phải là người da trắng là Eric Yuan, CEO của Zoom Video Communications. tài sản của ông đã tăng gần 7 lần trong năm nay, lên 24,2 tỷ USD.
Cũng theo dữ liệu của Fed, thế hệ Millennial (sinh từ 1981 đến 1996), chỉ kiểm soát 4,6% tài sản của nước Mỹ, mặc dù họ là nhóm chiếm số lượng lớn nhất trong lực lượng lao động với 72 triệu người. Và số tài sản nắm giữ của người Mỹ gốc Phi không có nhiều thay đổi so với 30 năm trước.
Giống tình trạng chung của cả đất nước, sự giàu có của những người Mỹ trẻ tuổi chỉ tập trung vào một số ít. Ba Millennials tiêu biểu gồm: hai đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và Dustin Moskovitz cùng với người thừa kế của Walmart Lukas Walton - mỗi cá nhân kiểm soát 1 USD trong số 40 USD do cả thế hệ của họ nắm giữ - tức là cứ mỗi 40 USD mà thế hệ Millennials tạo ra, mỗi cá nhân họ nắm giữ 1 USD.
Trong khi đó, thế hệ Baby Boomers (những người sinh trong khoảng năm 1946-1964) chính là thế hệ nắm giữ phần lớn tài sản của nước Mỹ, với 59,6 nghìn tỷ USD, gấp đôi con số 28,5 nghìn tỷ USD của thế hệ X và gấp 10 lần con số 5,2 nghìn tỷ USD của thế hệ Millennials.
Những người có vận may gắn liền với các công ty công nghệ - vốn được hưởng lợi từ việc thay đổi cách thức làm việc, mua sắm, giải trí và giao lưu trực tuyến - là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ nền kinh tế Covid-19. Dẫn đầu là người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Tài sản của người giàu nhất thế giới này đã tăng 64% kể từ đầu năm 2020 lên 188,5 tỷ USD. Chỉ riêng trong ngày thứ Tư, Bezos đã kiếm thêm hơn 5 tỷ USD.