Ảnh minh họa
Thiết lập giá mới
Là chủ một sàn môi giới gần 20 năm trong nghề, anh Nguyễn Thế Mai vẫn không hiểu lý do tại sao giá đất ở TP HCM lại tăng cao như bây giờ. Anh Mai kể, do năm nay không có nguồn hàng để bán. Hồi đầu tháng 11/2020, anh Mai được giới thiệu một lô đất trên đường Trương Văn Bang ở quận 2 với giá 140 triệu đồng/m2. Sau đó, anh đi tìm hiểu thêm một vài mảnh đất khác.Hai tuần sau, anh quay lại mảnh đất trên đường Trương Văn Bang thì giá đã được đẩy lên 220 triệu đồng/m2."Chỉ trong vòng 2 tuần, giá đã tăng 80 triệu đồng/m2. Thị trường BĐS tăng bất chấp quy luật", anh Mai nói.
Nguyên nhân khiến giá nhà đất tại khu Đông TP HCM như quận 2, 9 và Thủ Đức mấy tháng nay nóng hơn lửa là các quận này sáp nhập để trở thành thành phố Thủ Đức, trực thuộc TP HCM. Trên thị trường đầu cơ, cò đất ráo riết săn lùng mua đi bán lại đất nền, căn hộ với giá hời. Tại phường Trường Thọ, tính từ giữa năm 2019 đến nay, giá đất đã tăng khoảng 40% lên tới 70-90 triệu đồng/m2, mức giá chưa từng có từ trước tới nay ở địa bàn này. Tại các huyện Bình Chánh, quận 12, căn hộ tiệm cận ngưỡng 40 triệu đồng/m2, cũng là mức giá cao nhất vùng ven. Thậm chí nhà giá rẻ xếp hạng C, có giá trên dưới 25 triệu đồng/m2 cũng đã bị đội lên vùng giá 30-35 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ tăng mạnh không chỉ ở dự án mới mở bán mà còn ở các chung cư đã bàn giao. Điển hình, chung cư Moonlight (quận Thủ Đức) do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, có giá bán ban đầu 55-70 triệu đồng/m2, hiện được giao dịch trên thị trường thứ cấp quanh mức 100-150 triệu đồng/m2. Tại chung cư Gia Hòa (quận 9), nếu như năm 2017 giá giao dịch chỉ quanh mức 20-22 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã tăng lên mức 45-50 triệu đồng/m2. Hay dọc đường Mai Chí Thọ (quận 2), cách đây vài năm, các dự án căn hộ có giá bán trung bình chỉ từ 30-40 triệu đồng/m2, nay có giá bán thấp nhất là 70 triệu đồng/m2.
Không chỉ ở thành phố Thủ Đức, giá nhà đất cũng tăng mạnh khắp TP HCM và các vùng lân cận. Khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, mặt bằng căn hộ các quận 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú và Tân Bình đều trên ngưỡng 40 triệu đồng/m2. Số liệu từ trang Gachvang.com cho thấy, mức độ biến động giá BĐS khu này 20-25%/năm.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), trong quý cuối cùng của năm 2020 cho thấy, từ tháng 9/2020, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, trên thực tế giá nhà đất trên thị trường sơ cấp vẫn neo cao và không có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều yếu tố gây ảo
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết, các yếu tố tác động đến giá thành dự án nhà ở thương mại hiện nay gồm tiền sử dụng đất, chi phí quản lý và năng lực của chủ đầu tư, thậm chí cả những chi phí "không tên" cũng tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu. Ông Lâm nói thêm, giá nhà đất tăng cao là hệ quả tất yếu của hàng loạt những tồn tại tích tụ nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Có ít nhất 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc giá nhà đất tăng bất thường trong đại dịch gồm lệch pha cung cầu, tiến trình đô thị hóa cùng với nhiều công trình hạ tầng chuẩn bị triển khai là cú hích thúc đẩy giá nhà đất tăng mạnh, lực cầu ảo đẩy giá nhà đất lên cao, giá ảo lấn lướt giá thật, truyền thống đầu tư BĐS của người Việt quá mạnh mẽ.
"Không chỉ đất khu vực vùng ven TP HCM hướng về phía Đông có giá tăng cao, mà TP HCM cũng vừa họp về kiến nghị đề xuất thành lập thành phố Củ Chi được hợp nhất bởi 3 khu vực Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 theo hướng phát triển thành khu đô thị vệ tinh. Nếu đề xuất này được Chính phủ và UBND TP HCM thông qua, thời gian tới chắc chắn giá đất khu vực này cũng sẽ tăng", ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam tỏ ra lo lắng, giá nhà đất tăng mạnh có thể là ảo, ảnh hưởng đến việc hấp thụ sản phẩm bị chậm lại do khả năng chi trả của người dân còn hạn chế. Thị trường BĐS được cho là an toàn khi tốc độ tăng giá hằng năm dao động dưới 10%. Nếu tăng trên 10% tức là đã có dấu hiệu làm giá, tăng giá ảo.