Thông tin dự án cầu Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) sẽ được triển khai vào đầu năm 2022 do ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội TP đơn vị số 2 với cử tri huyện Cần Giờ chiều 22-6. Đây không chỉ là tin vui với người dân Cần Giờ mà còn là tin vui với ngành du lịch, giới kinh doanh bất động sản sau nhiều năm chờ đợi.
Đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP HCM ngày 23-6, ông Bùi Hòa An cho biết theo kế hoạch, đầu năm 2022 sẽ khởi công xây cầu Cần Giờ. Vấn đề hiện nay là hình thức đầu tư cũng như lựa chọn nhà đầu tư như thế nào.
Theo ông An, trước đây chủ đầu tư đề xuất làm dự án cầu Cần Giờ theo một trong hai phương thức là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc xây dựng - chuyển giao (BT). Theo dự kiến, khoảng tháng 9 hoặc tháng 10-2021 sẽ khởi công dự án và cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại bỏ loại hình hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ra khỏi danh mục hợp đồng các dự án thuộc phương thức đầu tư PPP. Do đó, TP phải lùi lại việc lựa chọn nhà đầu tư, thời gian khởi công và thời gian hoàn thành dự án.
"Chính vì vậy, cơ quan chức năng sẽ làm việc lại với chủ đầu tư đề xuất làm dự án về các hình thức đầu tư. Dự kiến sẽ đấu thầu công khai trong nước và quốc tế để chọn nhà đầu tư cho dự án này" - ông An chia sẻ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 22-6, ông An đã nói rằng cầu Cần Giờ là chiến lược của TP HCM, của quốc gia về các mặt như phát triển kinh tế - xã hội, du lịch… nên rất mong nhận được sự ủng hộ của người dân vì sự phát triển chung của TP cũng như của huyện Cần Giờ.
Cầu Cần Giờ được thiết kế phác họa từ hình ảnh cây đước. (Ảnh do chủ đầu tư đề xuất dự án cung cấp)
Cần tính toán kỹ phương án tài chính
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, về mặt hiệu quả chắc chắn có cầu thì du lịch, kinh tế - xã hội… được nâng cao hơn so với trước. Do vậy, việc làm cầu kết nối là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ phương án tài chính. "Khi làm cầu, giá đất Cần Giờ sẽ tăng, dự án lấn biển ở huyện này cũng được hưởng lợi, vì vậy nên tính toán kỹ việc lấy tiền ngân sách để làm cầu hay cần sự chung tay của các thành phần kinh tế được hưởng lợi nhờ dự án" - TS Cương phân tích.
Ngày 12-6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh diện tích khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng. Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ với mục tiêu xây dựng khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ khách sạn.
Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho rằng việc kết nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu thông qua việc đã đưa phà Cần Giờ vào vận hành sẽ khiến khu đô thị lấn biển tiềm năng này trở thành một phiên bản mới và hiện đại nếu được đầu tư nghiêm túc.Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, cho rằng thông tin khởi công cầu Cần Giờ sẽ một lần nữa đưa kỳ vọng về giá bất động sản nơi đây lên cao. "Giá đất sẽ tăng khi cầu hoàn thành là điều chắc chắn bởi mặt bằng giá đất thổ cư nơi đây hiện còn thấp so với mặt bằng giá đất ở phía bên kia cầu là xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè" - ông Việt nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia đô thị, việc tạo dựng một khu đô thị lấn biển tương lai mà Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh từ 600 ha lên 2.900 ha mới đây với tổng vốn 217.000 tỉ đồng cũng sẽ giúp Cần Giờ trở thành một điểm đến đầu tư mới, hấp dẫn tại khu vực TP HCM nói riêng và miền Nam nói chung.
Cầu Cần Giờ được thiết kế phác họa từ hình ảnh cây đước
Cầu Cần Giờ được thiết kế là cầu dây văng với nét độc đáo là một trụ tháp phác họa hình ảnh cây đước đặc trưng của huyện này, lan can hình sóng biển và có hiệu ứng đèn chiếu sáng.
Cầu dài 3,4 km với bốn làn xe thay thế phà Bình Khánh hiện hữu. Trụ cầu cao 230 m tính từ mặt nước, hai khoang hai bên trụ rộng 215 m và 350 m, tĩnh không thông thuyền 55 m.
Dự án được UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng với tổng vốn dự kiến 5.300 tỉ đồng. Tháng 8-2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương này. Dự kiến điểm đầu cầu là tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía nam thuộc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 7,41 km.