Chia sẻ trên báo chí trước đó, vị chuyên gia này cho rằng, thị trường BĐS đang có xu hướng chậm lại.
Giá căn hộ hiện neo ở mức rất cao, còn nhà phố và nhà liền thổ có xu hướng chững lại sau một thời gian giảm nhẹ vì dịch Covid-19. Cụ thể, căn hộ khu Đông có giá chào bán tương đối cao và tăng 15-20% so với đầu năm, nhưng mức độ tiêu thụ của thị trường khá tốt.
Trong khi đó, tâm lý chủ nhà không có nhu cầu bán chiết khấu, giảm giá, nên giá nhà đang đứng lại và dự kiến từ nay đến cuối năm không giảm. Đây là một tín hiệu cho thấy thị trường đang vận động theo xu hướng tích cực.
Trong thời gian qua, một số khu vực đã có giảm giá và ra hàng thành công. Giai đoạn cuối 2020 và đầu 2021, theo ông Quang dự đoán, giá nhà liền thổ tiếp tục tăng nhẹ 3-5% so với đầu năm
Vị chuyên gia này cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, không có làn sóng bán giảm giá, cắt lỗ mà chỉ có các sản phẩm rao bán có đàm phán. Nếu người mua khéo léo, biết cách thương lượng và gặp đúng người chủ có nhu cầu bán mới có thể chốt được ở mức giá tốt.
Các khu vực giảm giá nhẹ là những nơi nằm xa trung tâm, tập trung nhiều dân đầu tư như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, huyện Củ Chi là khu vực giảm mạnh nhất với khoảng 5-10%.
Nhìn nhận về tâm lý nhà đầu tư, ông Quang cho rằng kể từ nay đến cuối năm, giới đầu tư sẽ tiếp tục tái cơ cấu và có thể bán bất động sản để giữ tiền mặt vì chưa thể kỳ vọng vào thị trường 2021. Với các nhà đầu tư, các sản phẩm cần phải có tính thanh khoản tốt mới có thể trụ lại được.
Một bộ phận NĐT có thể bán BĐS để giữ tiền mặt vào cuối năm
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết đang xuất hiện một số nhà đầu tư mới gia nhập thị trường trong thời gian qua. Có thể trong giai đoạn tới, thị trường sẽ xuất hiện các NĐT mới tham gia vào lĩnh vực BĐS, soán ngôi ở một số phân khúc.
Đối với các sản phẩm mới, nhóm nhà đầu tư lâu năm có kinh nghiệm chỉ chiếm khoảng 10-20%. Còn lại phần lớn sức hấp thụ của thị trường nhờ vào các nhà đầu tư mới.
"Giá BĐS trong thời gian tới khó giảm sâu mà vẫn tiếp tục đà tăng nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Thực tế, người Việt Nam rất thích sở hữu tài sản là BĐS.
Trong lúc dịch bệnh, họ vẫn tranh thủ đi mua BĐS làm tài sản để dành phòng ngừa, chưa kể có phong trào "bỏ phố về vườn". Vì thế, nhìn tổng thể giá BĐS khó giảm vì nhu cầu thực tế còn khá lớn", ông Quang chia sẻ.
Theo ghi nhận, thời gian vừa qua, khi dịch diễn biến phức tạp, mọi hoạt động liên quan đến mở bán dự án tập trung đã bị dừng lại. Việc loạt doanh nghiệp BĐS cho nhân viên sales làm việc, bán hàng, chào khách mua BĐS bằng hình thức online cũng không mấy hiệu quả.
Đến nay, tình hình thị trường có vẻ khá lên nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Có một điều dễ nhận thấy, là những NĐT có tâm lý giữ tiền mặt để nghe ngóng thêm, còn một bộ phận NĐT "xuống tiền" trước đó thì có xu hướng muốn bán tài sản để giữ tiền mặt; một bộ phận khác thì tiếp tục chờ đợi thêm hoặc bán cắt lãi để thu nhanh dòng tiền.
Tuy nhiên, cũng có những nhóm NĐT vẫn tiếp tục tìm kiếm BĐS để tái đầu tư trong bối cảnh thị trường chững lại.
Điều quan tâm của các doanh nghiệp, môi giới BĐS hiện nay là sau thời điểm dịch tạm ổn thì khách hàng đã quay trở lại thị trường ngay hay còn tâm lý e dè với việc "xuống tiền" mua nhà đất. Đến bao giờ mới là thời điểm mà giao dịch BĐS ổn định trở lại.
Trả lời về vấn đề này, một chuyên gia BĐS trong ngành cho rằng, có thể mất khoảng 6 -12 tháng để thị trường quay trở lại nhịp độ bình thường nếu hết dịch.
Điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ quay lại thị trường lẻ tẻ chứ không ồ ạt. Sau dịch, tâm lý của khách mua để đầu tư sẽ thận trọng dòng tiền hơn, sẽ chỉ tìm kiếm các dự án BĐS có pháp lý đầy đủ, quy hoạch rõ ràng.
Đối với người mua ở thực, thực tế đã tham gia lẻ tẻ vào thị trường trong thời điểm dịch, sau dịch có thể đi tìm hiểu nhà đất nhiều hơn ở các khu vực có mức độ chững giá lại.
Theo vị chuyên gia này, sau dịch có thể hoạt động mua bán nhà đất ở đối tượng người mua ở thực sẽ khả quan hơn người mua đầu tư. Có nghĩa là thị trường không nên quá kì vọng vào việc là dòng tiền của NĐT sẽ ồ ạt chảy vào thị trường sau dịch.
Ngoài ra, việc chào bán sản phẩm của các doanh nghiệp BĐS cũng dựa vào lượng khách quan tâm đến dự án trước đó. Đa số các doanh nghiệp đều cho biết, vì dịch lượng khách hàng quan tâm đến dự án rất ít.
Thậm chí chạy marketing online thời gian dài không có một khách hàng quan tâm dự án. Vì thế, có thể sau dịch sẽ mất một khoảng thời gian để khách mua tìm hiểu thêm dự án cũng như "chịu" đi xem BĐS hay không.
Dự báo, có thể phải đến thời điểm cuối năm hoặc giữa năm 2021 khi mà tình hình dịch bệnh tạm ổn, có thể NĐT sẽ tìm cơ hội để chốt lời vào năm sau.
Cũng có một số dự đoán cho rằng, cuối năm nay mới là thời điểm bán BĐS một cách ồ ạt, thậm chí có thể diễn ra tình trạng giảm giá rõ nét trên thị trường thứ cấp ở một số phân khúc, nhất là ở đối tượng NĐT dùng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Họ có xu hướng bán sản phẩm ra để thu dòng tiền thay vì kiên trì chờ đợi sự phục hồi của thị trường BĐS.
Ghi nhận, mặc dù nguồn cung dự báo tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới nhưng việc giao dịch thành công sản phẩm ở bối cảnh hiện nay không phải điều dễ dàng khi mà suốt thời gian dài niềm tin của khách hàng với thị trường BĐS phần nào đã bị lung lay.
Theo ý kiến những người trong cuộc, dịch bệnh không chỉ thử thách độ bền của doanh nghiệp BĐS mà còn "thử" luôn niềm tin của người mua nhà vào thị trường BĐS.
Khi mà sau thời điểm trong và sau dịch có thể họ sẽ tìm kiếm được những sản phẩm đúng giá trị thực- những sản phẩm mà có thể trước đó họ phải mua vào với giá cao hoặc không biết đâu là khung giá chính xác.
Theo đó, một số phân khúc như căn hộ trên dưới 2 tỉ đồng/căn, đất nền ven Tp.HCM giá hợp lý, người mua vẫn "xuống tiền" dù giao dịch giảm hơn so với trước. Dự báo thời gian tới loại hình này vẫn được quan tâm hơn các phân khúc giá cao trên thị trường.