Ảnh minh họa
Nhà Bè là huyện nằm ở phía Nam của thành phố Hồ Chí Minh, giáp với huyện Long Thành (Đồng Nai) – là nơi có tốc độ phát triển hạ tầng đô thị rất nhanh, khu vực đang có rất nhiều dự án BĐS lớn và dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của khu vực phía Nam đang được xây dựng.
Phía Tây Nhà Bè giáp với Bình Chánh và Cần Giuộc (Long An), đặc biệt Nhà Bè còn tiếp giáp với Quận 7 ở phía Bắc – nơi có thị trường BĐS rất phát triển. Huyện này có quy mô diện tích khoảng trên 10.055ha, quy mô dân số khoảng 540.000 người.
Hàng loạt dự án cầu, đường được mở rộng và xây mới
Khu vực Nhà Bè đang có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đến tháng 5/2020 chỉ còn 200 hộ dân làm nông nghiệp. Huyện Nhà Bè hiện đang đẩy nhanh tiến độ và thu hút đầu tư mạnh mẽ, quyết tâm hoàn thành mục tiêu lên quận vào 2025.
Khi đến năm 2025 tỉ lệ hộ dân làm nông nghiệp gần như không còn, kinh tế chủ yếu là dịch vụ, công nghiệp.
Nhiều dự án hạ tầng cũng như khu đô thị mới đã và đang được đầu tư. Từ quận 7, xuôi theo đường Nguyễn Hữu Thọ, qua cầu Rạch Đĩa là địa phận xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Dọc tuyến Nguyễn Hữu Thọ người đi đường không khỏi trầm trồ với bộ mặt đô thị mới, khang trang.
Hiện tại, hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường quan trọng của huyện Nhà Bè đã dần được hoàn thiện.
Cụ thể nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ sau hơn 6 tháng khởi công, công trình sẽ thúc đẩy việc kết nối toàn thành phố thông qua sự kết hợp giữa các trục Bắc - Nam và Đông - Tây.
Nhiều công trình giao thông được nâng cấp mở rộng và xây mới. TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 lên 6 - 8 làn xe, xây dựng cầu số 1, cầu số 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm.
Đường Lê Văn Lương mở rộng thêm 15m, và khởi công cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm. Tuyến đường Nguyễn Văn Tạo quy hoạch lộ giới 60m, chiều rộng thực tế 16m đã được thành phố giao Ban quản lý khu Nam, UBND huyện Nhà Bè xây dựng kế hoạch mở rộng, rút ngắn thời gian vào trung tâm thành phố.
Đặc biệt, tuyến Metro số 4 hiện đã "chốt" quy hoạch từ P.Thạnh Xuân (Q.12) chạy về Hồ Con Rùa (Q.3) – chợ Bến Thành (Q.1) rồi men theo đường Hoàng Diệu (Q.4) – Nguyễn Thị Thập (Q.7) nối vào đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và cuối cùng kết thúc ở Depot đặt tại Khu đô thị Hiệp Phước (H.Nhà Bè).
Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư 4,57 tỉ USD với tổng chiều dài 36,2km (19,9km đi trên cao và 16,3km đi ngầm).
Giá nhà đất tăng nhanh
Việc phát triển hạ tầng nhanh khiến giá nhà đất ở Nhà Bè không ngừng tăng trong những năm qua. Khảo sát trên một số trang mạng về bất động sản,c ho thấy giá đất nông nghiệp chỉ vào khoảng 1-2 triệu đồng/m2 và đất thổ cư khoảng 9-10 triệu đồng/m2 vào năm 2014 thì nay khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công, giá đất đã tăng vọt.
Chẳng hạn quanh khu vực đường Nguyễn Văn Tạo, giá đất vườn từ 4 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên mức 7 - 8 triệu đồng/m2. Đất thổ vườn quanh tuyến đường Lê Văn Lương thuộc xã Nhơn Đức, giá bán từ 9 - 10 triệu đồng/m2.
Cũng vào thời điểm cách đây 2 năm, giá đất dự án dọc đường Nguyễn Hữu Thọ dao động từ 5 – 7 tỉ đồng/nền (90m2) thì nay trên dưới 10 tỉ đồng/nền.
Hay như khu vực đường Nguyễn Văn Tạo (xã Long Thới) hiện giá cũng tăng gấp đôi sau 2 năm, với giá khoảng 60 triệu đồng/m2. Khu vực xã Hiệp Phước trên dưới 40 triệu đồng/m2. Thậm chí, bên kia huyện Cần Giuộc giá đất nhảy vọt lên từ 1,8 – 2,5 tỉ đồng/nền khoảng 100m2.
Hiện Nhà Bè là một trong những điểm nóng về giá nhà đất tăng cao, vì thế việc chuyện đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đang hết sức được giới đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nhiều nhà đầu tư có thể sẽ "nếm trái đắng" bởi vấn đề thủ tục pháp lý chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư lại khá phức tạp. Khi BĐS nông nghiệp không thể chuyển đổi được, nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn hoặc tài chính không đủ để giữ đất đến giai đoạn tăng giá kỳ vọng.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo đảm bảo an toàn cho suất đầu tư, người mua đất nông nghiệp cần tìm hiểu trước về quy hoạch, chứng nhận quyền sử dụng đất và chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm tránh những trục trặc hoặc thua lỗ không đáng có.