Bến xe Mỹ Đình là một trong những bến có lưu lượng trung chuyển lớn của TP Hà Nội - Ảnh: Q. THẾ
Bến xe Đông Anh được xây dựng rộng nhất so với 5 bến xe đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội gồm: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa và Gia Lâm.
Cụ thể, theo quy hoạch được phê duyệt ngày 29-4, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Uy Nỗ và Thanh tra Sở Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, quản lý, giám sát việc xây dựng đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch.
Bến xe Đông Anh có phía Bắc giáp đường Vành đai 3 theo quy hoạch; phía Nam giáp công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi và nhà máy nhôm Đông Anh; phía Đông giáp dân cư thôn Đản Mỗ; phía Tây giáp quốc lộ 3 và đường Vành đai 3 theo quy hoạch.
Tổng diện tích lập quy hoạch chi tiết hơn 7,4 hecta, trong đó bến xe khách và điểm đầu cuối xe buýt khoảng 54.129m2. Đường giao thông phía Đông và phía Nam theo quy hoạch khoảng 13.182m2 và khu cây xanh cách ly đường vành đai 3 theo quy hoạch khoảng 6.928m2.
Kiến trúc không gian bến xe gồm nhà điều hành cao 3 tầng; nhà chờ cho xe khách và bãi đỗ các loại phương tiện giao thông công cộng; điểm đầu cuối xe buýt (cao 1 tầng). Bãi đỗ xe có bố trí mái che tại khu vực đón trả khách, đan xen các tuyến cây xanh trong từng khu vực của bãi đỗ.
Ngoài ra, còn có công trình dịch vụ thương mại (cao 9-12 tầng) được bố trí thấp dần về phía khu dân cư xã Uy Nỗ để hài hòa với cảnh quan hiện trạng.
Dự kiến bến xe khách Đông Anh bố trí 148 chỗ đỗ xe, đảm nhận vai trò vận tải hành khách từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn vào trung tâm Hà Nội và điều tiết, hỗ trợ đảm nhận một phần lưu lượng vận tải từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu.