Dưới đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Thắng – đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận:
Phóng viên: Xin ông cho biết hợp đồng mua bán nhà đất bằng giấy tay có giá trị pháp luật không?
- Luật sư Nguyễn Văn Thắng: Hợp đồng viết tay là hình thức mua bán, chuyển nhượng nhà đất do 2 bên tự lập và ký với nhau. Theo quy định của pháp luật, không có quy định rằng hợp đồng được viết tay sẽ không có giá trị pháp lý.
Nhưng để một hợp đồng có hiệu lực thì cần đảm bảo những quy định về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật. Đối với những loại hợp đồng cần công chứng, chứng thực thì cần phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định trong đó có hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Khi ký hợp đồng mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay, người mua, bán phải tìm hiểu về giá trị pháp lý tránh trường hợp trắng tay
Hợp đồng viết giấy tay chưa được công chứng hoặc chứng thực thì phải xét đến 2 trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, nếu chưa thanh toán đủ mức 2/3 nghĩa vụ thì một trong hai bên ký hợp đồng có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Khi đó các bên có nghĩa vụ trao trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp thứ hai, nếu đã thanh toán đủ số tiền hoặc trả tiền đủ từ 2/3 giá trị tiền thỏa thuận theo hợp đồng thì các bên có quyền yêu cầu tòa án công nhận giao dịch hợp pháp theo quy định tại khoản 2 điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Như vậy, hợp đồng mua bán nhà đất cần đáp ứng các quy định về nội dung, hình thức nào?
- Hợp đồng mua bán nhà, đất viết tay được đưa đi công chứng, chứng thực và đáp ứng các nội dung, hình thức sau thì có đầy đủ giá trị pháp luật: Đối tượng hợp đồng: căn nhà, mảnh đất nào; giá trị hợp đồng bao nhiêu; phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm bàn giao nhà, bất động sản; quyền và nghĩa vụ của các bên; phương thức giải quyết tranh chấp.
- Cách giải quyết khi hợp đồng giấy tay không đúng quy định?
- Đối với hợp đồng mua bán đất bằng giấy viết tay không được công chứng chứng thực theo quy định, hợp đồng sẽ bị vô hiệu vì không đáp ứng yêu cầu về hình thức của hợp đồng quy định tại khoản 2 Điều 117 BLDS 2015.
Như vậy, các bên có thể giải quyết với nhau khi giấy chuyển nhượng viết tay bị vô hiệu. Đối với hợp đồng mua bán nhà đất, các bên có thể thỏa thuận với nhau để hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên bán trả lại tiền cho bên mua, bên mua nhà trả lại nhà cho bên bán.
Bên cạnh đó, nếu các bên thể hiện ý chí vẫn muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì các bên có thể thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực, sang tên, hợp pháp hóa hợp đồng mua bán bằng giấy tay theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều người khi đã lập hợp đồng giấy tay bán nhà cho người kia. Hợp đồng không được công chứng chứng thực. Sau khi hai bên đã nhận tiền và giao nhà. Bên bán đã tiến hành giao dịch mua bán với người thứ 3, chiếm đoạt tiền đặt cọc mua nhà đất. Điều này gây ra rất nhiều rủi ro đối với người mua nhà đất cũng như người thứ 3 ngay tình thực hiện giao dịch với mảnh đất là đối tượng của hợp đồng sau này.