Anh Wang Yi - Ảnh: Bloomberg
Vài năm trước, Wang Yi mang trong mình "giấc mơ Mỹ". Anh tốt nghiệp từ đại học Princeton cực kỳ danh tiếng, được Google tuyển dụng và cung cấp cho anh những điều kiện ăn ở và làm việc tốt nhất ở thung lũng Silicon.
Thế nhưng rồi vào một ngày nọ trong năm 2011, anh gọi vợ mình ra cùng nói chuyện và nói với cô anh muốn về Trung Quốc.
Anh cảm thấy mình không còn muốn đảm nhiệm vai trò giám đốc sản phẩm cho Google và anh thấy mình luôn bị thôi thúc với suy nghĩ anh muốn làm chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Tất nhiên, không hề dễ để thuyết phục vợ anh từ bỏ California xinh đẹp để trở về Thượng Hải mù sương.
Ở thời điểm đó, vợ anh mới có bầu. Họ phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều, nhưng cuối cùng vợ anh cũng nhượng bộ và họ cùng trở về Trung Quốc.
Và cuối cùng, canh bạc mà anh lựa chọn đã không khiến anh thất vọng. Ứng dụng dậy tiếng Anh mang tên Liulishuo hay còn gọi là LingoChamp đã gọi vốn được 100 triệu USD trong tháng 7/2017 và anh trở thành một trong những cựu binh Silicon Valley thành công nhất tại Trung Quốc.
Anh không phải người Trung Quốc duy nhất có lựa chọn ngược, từ bỏ nước Mỹ để trở về Trung Quốc.
Những tài năng Trung Quốc nhận được sự đào tạo của nước Mỹ rồi quay trở lại quê hương cống hiến đang trở thành một lực lượng quan trọng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bành trướng trên toàn cầu cũng như giúp cho Trung Quốc ngày một thành công hơn trong việc làm chủ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay các thiết bị hỗ trợ học tập.
Trước đây, xu thế phổ biến thường là các sinh viên tốt nghiệp đại học cố gắng kiếm được công việc trong tập đoàn lớn ở nước ngoài, kiếm quốc tịch, giờ đây làn sóng đó đang diễn ra ngược lại, ngày một nhiều người trở về tìm kiếm cơ hội ở quê hương nơi dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh đồng thời chính phủ mở rộng cửa đầu tư cho những ngành nghiên cứu mũi nhọn.
"Đang ngày một nhiều tài năng trở về Trung Quốc bởi Trung Quốc đang tiến ngày một xa hơn trong lĩnh vực công nghệ mới. Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu", chuyên viên nhân sự tại Spencer Stuart, ông Ken Qi, nhận định.
Ở Trung Quốc, người ta thậm chí có riêng một thuật ngữ "rùa biển" để nói đến những người Trung Quốc đã làm việc hoặc học tập ở nước ngoài và sau đó trở về quê hương cống hiến.
Trước đây khi lĩnh vực công nghệ Trung Quốc còn chưa phát triển, các kỹ sư Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài đua nhau làm việc cho tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, cục diện giờ đã khác.
Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Tencent cũng trở nên nổi tiếng không kém. Nhiều kỹ sư Trung Quốc vì vậy trở về quê hương để cống hiến cho những tập đoàn này hoặc mở công ty riêng.
Nhắc đến các tên tuổi trong làng công nghệ Trung Quốc, người ta không thể không nói đến Alibaba. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này đã chính thức IPO vào năm 2014. Ngoài ra, Alibaba và Tencent hiện đã được xếp loại vào nhóm top 10 doanh nghiệp công nghệ có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, cùng hạng với Amazon.com hay Facebook.
Đó là chưa kể đến việc dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc hiện đang sôi sục hơn bao giờ hết. 3/5 doanh nghiệp công nghệ mới được định giá cao nhất hiện đang ở Trung Quốc, không phải Mỹ.
Giờ đây, lĩnh vực công nghệ đã vượt qua lĩnh vực tài chính để trở thành lĩnh vực thu hút nhiều nhất những người Trung Quốc trở về từ nước ngoài. Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) đã tiến hành khảo sát với 1.821 người Trung Quốc trở về, trong số đó 15% người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ tăng gấp rưỡi so với lần khảo sát gần nhất vào năm 2015.
Các thống kê mới nhất không khỏi khiến người ta ấn tượng với trí tuệ Trung Quốc. Trong số 850 nghìn kỹ sư ngành trí tuệ nhân tạo (AI) trên khắp nước Mỹ, 7,9% người có gốc Trung Quốc. Tất nhiên trong nhóm này có cả những người Trung Quốc không hề có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và có mong muốn trở về Trung Quốc.
Tuy nhiên, tỷ lệ kỹ sư AI của người gốc Trung Quốc như vậy rất cao nếu so với việc dân số gốc Trung Quốc chỉ chiếm 1,6% tổng dân số Mỹ.