Không vì Covid mà "bán tháo"
Trong báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở TP HCM quý I-2020, Công ty CP DKRA Việt Nam, nhận định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường BĐS trong quý đầu của năm sụt giảm kỷ lục về nguồn cung .
Đặc biệt, phân khúc căn hộ, sản phẩm chủ đạo của thị trường BĐS nhà ở, đã suy giảm nguồn cung đến mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Cụ thể theo khảo sát, toàn thị trường có 7 dự án được mở bán trong quý 1, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 70% nguồn cung so với quý trước và giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, khu Đông tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung mới lẫn lượng tiêu thụ. Về loại hình, căn hộ hạng B chiếm tỉ trọng lớn trong khi căn hộ hạng C vẫn khan hiếm. Mức giá sơ cấp từ chủ đầu tư đối với phân khúc hạng B dao động từ 32 - 40 triệu/m2, đối với căn hộ hạng A từ 53 - 58 triệu/m2. Dự báo của DKRA Việt Nam trong thời gian tới, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý 1, dao động khoảng 2.000 - 2.500 căn.
Trong khi đó, báo cáo thị trường BĐS TP HCM quý I-2020 của CBRE lại cho thấy một góc khác, dù nguồn cung chào bán trong quý đầu năm giảm 18% so với cùng kỳ, tỉ lệ hấp thụ của các dự án đạt mức 81%. Đáng lưu ý, giá bán sơ cấp trung bình tại TP HCM vẫn tăng 9% so với cùng kỳ…
Những con số từ báo cáo của các công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường cho thấy, dù nguồn cung căn hộ mới giảm nhưng tỉ lệ bán vẫn không phải quá thấp và giá chào bán sơ cấp vẫn tăng, chứ không giảm như nhiều người lo ngại sẽ có đợt "bán tháo" BĐS dưới tác động của dịch Covid-19.
Trên thực tế, phân tích của giới chuyên gia BĐS cho thấy, nhu cầu nhà ở không vì dịch bệnh ngắn hạn mà giảm bớt, thậm chí tăng lên trong bối cảnh nhiều người thuê nhà bị chủ nhà kỳ thị khi lỡ có nguy cơ mắc bệnh. Tâm lý "an cư lạc nghiệp" và phải có chỗ "đi ra đi vào" của người dân cũng góp phần làm thị trường BĐS không kém phần sôi động, nhu cầu luôn có và ở mức cao.
Chưa kể, tác động của dịch bệnh cũng phát sinh nhu cầu đổi nhà lớn hơn hoặc đầu tư mua nhà ở tử tế hơn, có không gian sống, được vận hành bởi chủ đầu tư uy tín - vì ở nhà 24/7 trong vài tuần và ở nhà hàng tháng trời nên không thể tạm bợ được mà cần không gian đủ tiện ích.
Vẫn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn
Anh Nam Khánh (ngụ quận 2, TP HCM), chủ căn hộ trung cấp ở phường An Phú, cho biết giá trị căn hộ chung cư hơn 80m2 nơi gia đình anh đang ở hiện vào khoảng 3,5-4 tỉ đồng, hoàn toàn có thể mua căn nhà phố ở vùng ven trung tâm, vẫn thuận tiện đi lại, làm việc. Nhưng từ nhiều năm qua, anh vẫn chọn ở chung cư.
"Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và nhà nước yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc mới thấy những không gian trong khuôn viên của chung cư hữu ích. Sáng nào tôi cũng chạy bộ trong khuôn viên hoặc buổi tối cùng gia đình đi dạo, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh nhưng vẫn có không gian để tập thể dục, hít thở không khí trong lành" – anh Nam Khánh chia sẻ.
Anh cũng cho biết bản thân và vài người bạn thân đang tìm kiếm căn hộ chung cư ở khu vực quận 2, Bình Thạnh hoặc quận 9 đầu tư để cho thuê. Thời điểm này, giá BĐS không tăng đã là cơ hội để đầu tư lâu dài.
"Bởi tiềm năng và nhu cầu thực tế của thị trường là rất lớn, nếu có tiền nhàn rỗi mua BĐS rồi chờ hết dịch, kinh tế hồi phục để cho thuê hoặc bán cũng là cách đầu tư không tồi. BĐS luôn là kênh an toàn và bền vững nếu tính trong trung dài hạn so với những kênh đầu tư khác" - anh Khánh tiết lộ.
Chưa kể, trong mùa dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã tung ra các gói ưu đãi hấp dẫn chưa từng có, kèm theo hỗ trợ lãi suất, thời gian ân hạn từ ngân hàng tốt hơn so với trước. Đây là cơ hội cho những nhà giàu tiền mặt dồi dào mua được BĐS với giá rẻ.
Trong khi đó, nguồn cung khan hiếm thủ tục cấp phép ngày càng chặt chẽ cũng là cơ hội để những nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi, dòng tiền có sẵn "săn" được dự án do chủ đầu tư uy tín triển khai, có pháp lý rõ ràng. Đơn cử, phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục hứa hẹn tăng trưởng tốt sau dịch do nhu cầu ở thực cao, nguồn cung hạn chế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nhận định tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài BĐS luôn là một kênh đầu tư tiềm năng. Như trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008 - 2011, những người "bắt đáy" mua vào với tầm nhìn xa đều thu được lợi nhuận lớn. Điều này lý giải vì sao hiện giờ dù thị trường bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh nhưng vẫn có xu hướng nhiều nhà đầu tư xuống tiền, âm thầm mua nhà đất, chung cư…