Cầu Châu Đốc sẽ thay thế phà Châu Giang, kết nối TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Trong ảnh: Mô hình cầu Châu Đốc.
Đề xuất chuyển vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền
10 ngày sau khi ra quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư , Bộ GTVT vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm cứu Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc (An Giang) không tiếp tục rơi vào thế bế tắc.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh An Giang. UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh Dự án, bao gồm điều chỉnh phương án tài chính theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trong trường hợp phương án trên không được chấp thuận, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai Dự án. Việc nghiên cứu Dự án Đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn hợp pháp khác sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 20/3/2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-BGTVT về việc hủy kết quả chỉ định nhà đầu tư Dự án và đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.
Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc được khởi động cách đây 5 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình nhằm thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1 kết nối TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang).
Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và trải qua công tác đấu thầu, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 được Bộ GTVT chọn là nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành công trình có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng này vào năm 2018. Đây cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự tuyển.
Tuy nhiên, do sự điều chỉnh các quy định pháp luật mới về hình thức đối tác công tư (PPP), chi phí lãi vay của Dự án tăng, mức phí sử dụng đường bộ tối đa bị giới hạn, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo, dẫn đến Dự án mất khả năng thu hồi vốn, không đủ cơ sở để ngân hàng thương mại cho vay đầu tư.
Trong quá trình đàm phán, nhà đầu tư trúng thầu đề nghị, nếu được Nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng, thì Dự án khả thi về tài chính. Đề xuất này không khả thi do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được phân bổ và Dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ.
Nhiều thuận lợi
Trong nỗ lực "giải cứu" Dự án, tháng 7/2019, UBND tỉnh An Giang gửi văn bản tới Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ đồng ý tiếp nhận, nghiên cứu kêu gọi đầu tư và thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng và thực hiện Dự án theo quy định.
Đây là công trình hạ tầng có vai trò quan trọng với tỉnh An Giang, không những thay thế phà Châu Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa, mà còn có vai trò hết sức quan trọng phục vụ việc kết nối giao thông trục dọc biên giới Tây Nam giữa 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Trước đó, trong quá trình đàm phán hợp đồng, Sở GTVT tỉnh An Giang đề xuất thêm phương án tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện gắn máy 2 bánh qua cầu, tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT, xe gắn máy hai bánh không nằm trong nhóm các đối tượng phải thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đầu tư theo hình thức PPP do Bộ GTVT quản lý.
Theo Bộ GTVT, trong trường hợp UBND tỉnh An Giang được đảm nhận vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc triển khai Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc sẽ có khá nhiều thuận lợi.
Cụ thể, ngoài việc chủ động điều hành, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; phát huy nguồn lực tự có của địa phương như khai thác quỹ đất và ưu đãi hỗ trợ khác; xem xét, quyết định phương án thu phí, UBND tỉnh An Giang sẽ toàn quyền dự kiến sử dụng nguồn lực địa phương để hỗ trợ Dự án có thể thực hiện được ngay các thủ tục cần thiết để điều chỉnh Dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Trước đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ góp ý đề xuất kiến nghị tiếp nhận Dự án của UBND tỉnh An Giang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP quy định, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đối với dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc dự án được Thủ tướng giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, Thủ tướng có thẩm quyền giao UBND tỉnh An Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, UBND tỉnh An Giang đã đồng ý tiếp nhận Dự án và trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Đề nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh An Giang chịu trách nhiệm về tính khả thi của đề xuất chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định pháp luật", văn bản góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Cầu Châu Đốc được xây dựng có điểm đầu nối vào Quốc lộ 91, khoảng Km113+071 tại khu vực phường Vĩnh Mỹ (TP Châu Đốc), điểm cuối tại khu vực giao với đường tỉnh 953 (thị xã Tân Châu).
Tổng chiều dài toàn tuyến 3,26 km; quy mô đường cấp 3 với 2 làn xe; vận tốc thiết kế 60 km/h. Đường nối với đường tỉnh 953 đầu tư đường cấp 4 với 2 làn xe, nhánh nối trạm thu phí đầu tư đường cấp 5. Cầu Châu Đốc được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê công cốt thép dự ứng lực, dài 667 m, rộng 12 m cho xe siêu trường, siêu trọng lưu thông; có khổ thông thuyền 75 x 11 m; bề rộng cầu 12 m.