Các diễn giả thảo luận về chủ đề "Đô thị xanh & Con người xanh" tại tọa đàm
Nhiều thách thức phát triển công trình xanh
Khoảng 2 năm gần đây, "xanh" là một tiêu chí được nhiều chủ đầu tư sử dụng để quảng bá, tạo khác biệt nhằm đẩy mạnh thanh khoản sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lại đang rất khan hiếm các dự án đạt chuẩn xanh theo chuẩn quốc tế. Rất nhiều dự án đang "vin" vào yếu tố xanh để bán hàng nhưng không có các tiêu chí rõ ràng, cụ thể.
Theo số liệu của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, hiện Việt Nam có chưa đầy 100 công trình xanh đạt chuẩn quốc tế. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như EcoLife Capitol, Anland Complex (Hà Nội), Diamond Lotus Lake View, Flora Kikyo (TP.HCM), ATAD (Đồng Nai)…
Về tiêu chuẩn quốc tế của công trình xanh, trên thế giới có khá nhiều hệ thống chứng nhận, theo các tiêu chí cấp độ từ thấp đến cao, như LEED, EDGE, LOTUS, GREEN MARK… Tuy nhiên, tất cả đều đánh giá, một công trình xanh phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí cụ thể về: hệ số cây xanh, diện tích mặt nước, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch.
Tại tọa đàm Cafe Xanh về chủ đề "Đô thị xanh & Con người xanh" do Capital House phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng một công trình xanh không đơn thuần là sự hiện hữu của cây xanh và mặt nước. Đấy chỉ là những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Một công trình xanh còn là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, là sử dụng năng lượng sạch…
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục cho rằng 3 yếu tố quan trọng để làm nên một công trình xanh gồm tiết kiệm nhiên liệu, không gian mở và cuối cùng là sự thay đổi trong tư duy con người. Bà Thục nhấn mạnh: "Trong các tiêu chí trên, ý thức con người có lẽ đóng vai trò lớn trong việc tạo nên các công trình xanh, đô thị xanh".
Theo ông Trần Như Trung - Phó Tổng giám đốc Capital House, việc xây dựng một công trình xanh đòi hỏi rất nhiều thử thách hơn so với các công trình thông thường.
Thứ nhất, công trình xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải hi sinh lợi nhuận. Xây dựng công trình xanh không đơn giản là mong muốn, nguyện vọng chung chung mà nó đụng chạm đến những tiêu chuẩn quốc tế cụ thể, đồng nghĩa với việc phải mời được các bên thiết kế thi công đảm bảo được các tiêu chí đó. Điều này liên quan đến vấn đề "hầu bao" của chủ đầu tư có "tải" được không.
Thứ hai, một thách thức lớn với các chủ đầu tư Việt Nam là xây dựng và phát triển công trình xanh như thế nào. Phát triển công trình xanh luôn gắn với những vấn đề rất cụ thể. Giải pháp cho các vấn đề này đòi hỏi mỗi chủ đầu tư phải có những tính toán riêng.
Xây dựng một khu đô thị xanh, một công trình xanh không phải là đào nhiều hồ, trồng nhiều cây. Thậm chí, việc đào hồ và trồng cây quá nhiều còn vi phạm nguyên tắc cải tạo. Trồng nhiều cây xanh sẽ tiêu tốn rất nhiều nước. Ở nước ngoài, họ có hệ thống xử lý nước rất hiện đại, nhưng ở Việt Nam, hệ thống xử lý nước lại là thử thách rất lớn với các chủ đầu tư.
Thách thức thứ 3 là khi các khu đô thị, công trình xanh đi vào hoạt động, chi phí vận hành sẽ cao hơn, người dân ở đó sẽ phải đóng phí dịch vụ nhiều hơn, điều này khiến họ cân nhắc khi mua.
Và cuối cùng, theo ông Trung, sự hỗ trợ của nhà nước đối với các chủ đầu tư phát triển công trình xanh hiện nay chưa có sự đồng nhất.
Phát triển đô thị xanh cần sự đồng lòng của cộng đồng
Đô thị xanh là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới. Mô hình này cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững và hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa trong tương lai. Trong đô thị xanh, các công trình xanh là thành tố thiết yếu và có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Ông Đỗ Viết Chiến cho rằng nhà nước cần có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư làm công trình xanh
Theo ông Đỗ Viết Chiến, các chủ đầu tư - những đơn vị tạo nên các công trình xanh, đang chịu rất nhiều áp lực từ vốn, chính sách. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư làm công trình xanh.
Ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Pháp luật cũng cần có quy định bắt buộc, với những khu vực đất 20ha chẳng hạn, cần quy định 5-7% diện tích xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự hình thành của đô thị xanh cần đến sự chung tay của cả một cộng đồng.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục cho biết 20 năm trước, khi bà thiết kế bán đảo Linh Đàm, người dân vẫn còn "lạnh nhạt" với nhà chung cư, họ chuộng nhà thấp tầng hơn. Thế nhưng, đến nay, các chung cư mọc lên như nấm và là lựa chọn phổ biến của người dân đô thị.
"Khi các tòa nhà cao tầng xuất hiện quá nhiều, chúng ta bắt đầu bước vào khủng hoảng đô thị. Bản chất của khủng hoảng đô thị ở ta là khủng hoảng môi trường sống", bà Thục nhấn mạnh.
Vì thế, theo nữ kiến trúc sư, để xây dựng một đô thị xanh, chúng ta cần sự góp sức, đồng thuận không chỉ của chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, các cơ quan quản lý cần bắt buộc các chủ đầu tư khi xây dựng công trình phải chú trọng vào những tiện ích, dịch vụ xanh phục vụ người dân.
Ngoài ra, sự hình thành của các đô thị xanh phải đi kèm với các chính sách hợp lý và các quy hoạch rõ ràng. Giới chuyên môn cần có sự lên tiếng, đóng góp trong các đề án quy hoạch, chính sách của Nhà nước. Và doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội trong xây dựng và phát triển công trình xanh.