Bao nhiêu đất đai 'bờ xôi ruộng mật' đang thành đất hoang sau khi phân lô bán nền! Người người mua đất đầu cơ, chờ tăng giá bán kiếm lời nhưng không có nhu cầu ở.
Dự án nhà ở xã hội trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bao nhiêu vốn nhàn rỗi đang đổ vào đất nền , trong khi nhiều người lao động vẫn hàng chục năm ở nhà thuê!
Đất bán như rau
Đọc mẩu thông tin "Bán nhà diện tích đất 56m2, ngang 4m, dài 14m đường Nguyễn Kiệm nối dài, giá chỉ 2,5 tỉ", tôi liên hệ và được một người hướng dẫn đi xem đất. Nghĩ đường Nguyễn Kiệm ở Q.Phú Nhuận và Q.Gò Vấp (TP HCM), tôi chạy xe máy đến đường Nguyễn Kiệm, gọi điện thoại lại được hướng dẫn qua đường Nguyễn Oanh.
Đi đến Q.12 lại được hướng dẫn "Đi hết đường tới cầu Phú Long, em đang đợi". Cuối cùng, điểm đến thuộc địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, người môi giới dẫn tôi đến xem một căn nhà mới xây trên nền đất phân lô...
Lần khác, đọc tin "Bán đất ngang 7m, dài 14m, giá 900 triệu, cách trung tâm TP HCM 25 phút chạy xe", tôi gọi điện thoại hỏi thăm, bên kia yêu cầu sáng chủ nhật đến công ty ở Q.2, có xe đưa đi xem đất. Khi đến nơi, có khoảng 30 người đang chờ.
Ôtô 45 chỗ chở chúng tôi qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến khu đất thuộc địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai). Vợ chồng anh kia ở Đắk Lắk bức xúc cho biết phải đi máy bay cho kịp giờ, đến TP HCM ở khách sạn một đêm để sáng sớm đi mua đất.
Khi nhân viên tư vấn thuyết phục đặt cọc một lô đầu tư, anh chồng thẳng thắn: "Mua lô đất cả tỉ đồng đâu phải mớ rau, con cá ngoài chợ! Tụi em làm ăn đàng hoàng đi!".
Chào bán đất "nhanh như chớp" kiểu này diễn ra khắp nơi. Mục tiêu hàng đầu là đôi bên chốt hợp đồng nhanh, đất bán nhanh, phía môi giới nhanh có "hoa hồng". Vì điều này, lắm khi họ đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu chính xác chỉ nhằm lôi kéo người mua. Cùng với đó là rất nhiều chiêu thổi giá đất lên cao để trục lợi.
Có nhiều người kiếm tiền nhanh nhờ "lướt sóng" nhà đất. Cái được thuộc về người có chiêu, có vốn. Còn cái mất lớn hơn, tác hại lâu dài hơn. Bao người mất trắng tài sản tích cóp, bao người lâm cảnh nợ nần, kiện thưa...
Bao nhiêu đất đai đang tốt tươi cây trái thành đất dự án, rồi bỏ hoang vì người mua đất xong bỏ đó hoặc sang tay, không có nhu cầu ở. Chuyện này từ đô thị đang lan về các tỉnh nông thôn, nơi đất nông nghiệp đang sốt sau khi phân lô.
Và ước mơ có nhà ở
Trong khi đó, những người có nhu cầu thật sự, muốn có một căn nhà nhỏ, một chốn đi về bằng đồng lương của mình thật không dễ chút nào! Họ là những công nhân, công chức thu nhập không cao, hàng chục năm vẫn chưa thể tích cóp đủ tiền cho mái ấm của mình. Tích lũy được 1 thì giá nhà đất đã tăng lên 5-7 lần, thậm chí hàng chục lần.
Người lao động được an cư, có nhà ở ổn định là một trong những nền tảng để xã hội phát triển và thịnh vượng. Tạo điều kiện cho người dân có nhà ở hợp pháp lâu dài góp phần ổn định xã hội, trật tự trị an, phát triển kinh tế.
Nghĩ về chính sách ưu tiên tạo điều kiện cho người lao động bằng cách bán nhà giá rẻ hoặc trả góp và kéo dài thời gian trả nợ có thể lên đến 50-70 năm như ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan hoặc gần nước ta nhất là Malaysia...
Nước bạn có những nhà cao tầng với hàng trăm ngàn căn hộ bán không tính lời, đem ra đấu giá kêu gọi nhà đầu tư tham gia được hòa vốn và có lãi từ quỹ đất cho thuê mặt bằng phía dưới để buôn bán, kinh doanh dịch vụ thương mại, siêu thị, ăn uống... Cách quản lý này góp phần kéo giảm giá nhà đất, hạn chế đầu cơ bất động sản, khuyến khích đầu tư sản xuất, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.
Tôi muốn nói về phần đông những người có nhu cầu nhà ở là những người làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp. Họ trực tiếp tạo ra sản phẩm, của cải vật chất xã hội, nhưng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho gia đình mình họ phải chật vật, bí lối, nhiều khi đánh liều mua đất không đủ điều kiện xây dựng hoặc mua nhà giấy tờ tay vì giá rẻ.
Nhà nước có chính sách kêu gọi đầu tư nhà giá rẻ, miễn thuế tiền sử dụng đất, xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp , cho vay ưu đãi để mua nhà... Nhiều tỉnh, thành có hẳn quỹ phát triển nhà ở, song vẫn rất thiếu so với nhu cầu, vì nhiều lý do nhà ở giá rẻ vẫn còn rất khan hiếm.
Tất nhiên mỗi người phải chủ động tìm phương cách để có nhà ở, nhưng thật đáng buồn khi người lao động phải "bơi" giữa thực tế giá nhà đất tăng vùn vụt. Và đối nghịch với đó là tiền vốn của xã hội đang đổ vào đất bỏ không ở rất nhiều dự án đã và đang mua bán chóng vánh khắp nơi.
Chuyện này sẽ còn tiếp diễn theo chiều hướng xấu. Vốn liếng tiếp tục được chôn vùi trong đất nền và người thu nhập thấp vẫn đỏ mắt chật vật trong hành trình tìm đến ngôi nhà của mình.
Mãi là mơ ước
Mới đây, tôi có dịp đi TP HCM dự đám cưới con trai người bạn thân. Cháu làm việc 15 năm tại một cơ quan hành chính với mức lương cộng cả thu nhập ngoài giờ xấp xỉ 9 triệu đồng. Căn phòng cháu ở trọ chỉ 12m2, phải trả 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước, Internet... Cơm áo gạo tiền, rồi đám tiệc, tiền thuê nhà, đi lại... nuốt sạch lương.
Năm rồi, có thông tin nhà ở xã hội bán trả chậm cho người thu nhập thấp, cả cơ quan hi vọng thoát khỏi cảnh ở nhà trọ. Nhưng căn nhà ấy vẫn là mơ ước xa vời vì nhiều nguyên nhân: vướng nhiều điều kiện, thủ tục, nhà xã hội xây chậm quá!
Theo các chuyên gia bất động sản, sau 16 năm, giá đất tại nội ô TP HCM tăng đến 16 lần, ngoại ô tăng 4 lần, trong khi đó mức lương người lao động tăng bình quân chỉ khoảng 15%. Một con số chênh lệch quá lớn và sẽ còn lớn hơn nữa. Một căn nhà xã hội có giá 600 - 700 triệu đồng (căn hộ giá bình dân nhất) vẫn cứ mãi là mơ ước với bao người.