Ảnh minh họa
Theo nhận định của JLL, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam. So với Trung Quốc, chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 30-40%. Điều này, cùng với một phần tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đẩy nhanh quá trình quyết định để các doanh nghiệp di dời đến Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Còn theo theo Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2019, cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, với tổng diện tích 95.500ha. Trong đó, có 251 KCN đã hoạt động với diện tích 60.900ha (lấp đầy 74%), 75 KCN (29.300ha) đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, còn có 17 đặc khu kinh tế duyên hải cung cấp 845.000ha.
Ông John Campbell - Tư vấn cao cấp Phòng Dịch vụ công nghiệp Savills cho biết, BĐS công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường BĐS khác như nhà ở, văn phòng cho thuê. Bởi các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến các khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc. Từ đó, các phân khúc này dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
"Việt Nam trở thành địa chỉ thu hút với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tất cả các yếu tố cho thấy môi trường đầu tư khá hấp dẫn" - ông John Campbell nhận định.
Theo ông John Campbell, dữ liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các KCN và vùng kinh tế thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỷ USD.
BĐS công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê và nhà xưởng xây theo yêu cầu.
Các chuyên gia này cũng cho rằng, với sự lựa chọn các dự án công nghiệp sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.