Mới đây, một vị trí đậu xe ô tô thuộc quận Kowloon City đã được cho thuê với giá 10.000 HKD (1.274 USD/tháng), khiến đây trở thành vị trí đỗ xe được cho thuê với giá đắt nhất từ trước tới nay tại Hồng Kông. Trước đó, đại lý bất động sản đã xác nhận, một chỗ đỗ xe có diện tích khoảng 12,5 m2 thuộc dự án hạng sang Ultima, khu dân cư Ho Man Tin đã được cho thuê với giá này.
Dự án Ultima chỉ có 370 chỗ đỗ ô tô, trong khi có tới 527 căn hộ. Đây là một trong những nguyên nhân giá cho thuê chỗ đậu xe tại đây lại cao tới vậy và khiến Ultima được ghi nhận là khu vực đắt nhất trên hành tinh để đỗ xe.
Một kỷ lục mới về chỗ đỗ xe cũng vừa được ghi nhận. Theo tờ South China Morning Post, một cặp vợ chồng đã mua một chỗ đỗ xe vào tháng 9-2017 với giá 430.000 USD và vừa bán ra với giá 760.000 USD. Như vậy, sau 9 tháng, cặp vợ chồng này đã thu về lợi nhuận 330.000 USD.
Với diện tích khoảng 12 m2, giá bán chỗ đỗ xe này vào khoảng 5.600 USD/m2, đắt gần gấp 3 lần giá trung bình đối với bất động sản dân cư tại Hồng Kông, vốn luôn giữ vị trí đắt đỏ nhất thế giới.
“Các vị trí đỗ xe này nằm ở các dự án hạng sang. Cư dân nơi đây rất giàu có và đơn giản là không quan tâm tới vài triệu HKD. Một căn hộ tại các dự án loại này có giá thấp nhất từ 12,7 triệu USD (100 triệu HKD). Sự thuận tiện mới là yếu tố được quan tâm hàng đầu”, Sandia Lau, giám đốc Centaline Property Agency cho biết.
Như vậy, với các con số ấn tượng về chỗ đỗ xe, Hồng Kông tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ về chi phí sống đắt đỏ nơi đây. Trước đó, vào tháng 11, 2 căn hộ thuộc dự án hạng sang The Peak tại Hồng Kông cũng phá kỷ lục căn hộ đắt nhất châu Á khi được bán với giá 149 triệu USD cho một người mua.
Cụ thể, một người mua giấu tên đã trả 76,8 triệu USD cho căn hộ diện tích 425 m2 và khoảng 71,7 triệu USD cho căn hộ 394 m2, đều thuộc chủ đầu tư Wheelock Properties. Như vậy, căn hộ thứ hai đã trở thành bất động sản dân cư đắt nhất châu Á dựa trên tiêu chí giá cả/m2.
Theo UBS, một người có thu nhập ở mức trung bình cần 20 năm tiền lương để đủ sức sở hữu một căn hộ có diện tích khoảng 60 m2 tại thành phố này. Với chi phí đắt đỏ này, không có gì khó hiểu khi chính quyền Hồng Kông đang phải nỗ lực kiềm chế đà tăng của thị trường bất động sản, đồng thời hỗ trợ nhu cầu nhà ở của cư dân.
Trong tháng 10/2018, chính quyền Đặc khu Hồng Kông cho biết họ nhận được 88.000 đơn mua căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội của thành phố, mức cao nhất kể từ khi chương trình dự án nhà ở xã hội được nối lại vào năm 2013. Đáng chú ý, dự bán bán nhà không vì mục tiêu lợi nhuận này hiện chỉ có 620 căn hộ, cách xa xo với nhu cầu thực tế của người dân.
Trước đó, vào năm 2002, các dự án nhà ở xã hội đã bị tạm dừng nhằm thúc đẩy đà tăng của giá bất động sản, trong bối cảnh thị trường đóng băng. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại hoàn toàn ngược lại.
Ông Marco Wu Moon-hoi, Chủ tịch Chương trình Nhà ở xã hội cho biết, sự mất căn bằng giữa cung và cầu trên thị trường bất động sản tại Hồng Kông là “cực kỳ đáng lo ngại” và “nghiêm trọng”.