Với mức tài chính dưới 1,2 tỷ đồng, anh Việt đã phải từ bỏ dự định mua căn hộ chung cư sau gần một năm tìm kiếm. Tìm hiểu một vài dự án ở khu vực phía Tây đang mở bán, song căn hộ diện tích hơn 40 m2 cũng đã lên tới 1,5 tỷ đồng. Các căn diện tích lớn hơn cũng xấp xỉ 2 tỷ. Giá bán tính trên mỗi m2 vào khoảng 35 triệu đồng.
Có một số dự án nhà ở xã hội tại Bắc Từ Liêm, song sau khi tìm hiểu, anh Việt phải mua chênh cả nửa tỷ đồng mỗi căn, trong khi căn thương mại giá cũng lên tới hơn 30 triệu đồng mỗi m2. Một số dự án khác ở Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai... nhưng đều là những dự án mở bán suốt nhiều năm mà vẫn ế hàng, vị trí quá xa. Không còn lựa chọn, anh quyết định mua đất thổ cư ở An Thượng (Hoài Đức).
Một góc Hà Nội với rất nhiều tòa nhà chung cư, cao tầng. Ảnh: Anh Tú.
Cũng có nhu cầu tương tự, anh Quang vào một website mua bán bất động sản lớn nhất thị trường để tìm kiếm mua căn chung cư có giá từ 800 triệu đến một tỷ đồng. Kết quả tìm kiếm cho 700 tin rao, nhưng trong đó chủ yếu là căn hộ đã bàn giao, đang được rao bán lại. Trên thị trường sơ cấp (tức là chủ đầu tư rao bán) hiện chỉ có khoảng 5 dự án nằm tại Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Hòa Lạc... và một số ít sản phẩm chung cư mini. Tuy nhiên, đây không phải là những dự án mới mở bán, hầu hết đều được tung ra thị trường 1-3 năm về trước nhưng vẫn ế. Các dự án này đa số cũng là nhà ở xã hội, nằm ở địa bàn xa, hạ tầng kém.
Chọn mức giá cao hơn từ một đến 2 tỷ đồng, anh Quang nhận được gần 5.000 tin rao, nhưng chỉ có 20% là giá 1-1,5 tỷ đồng và đều là căn hộ cũ. Còn lại đa số là các căn có diện tích 50-70 m2, giá bán 1,6-2 tỷ đồng, tương đương 25-35 triệu đồng mỗi m2 - một mức được coi là thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp, không phải giá rẻ như kỳ vọng của anh.
Theo khảo sát, nguồn cung căn hộ giá rẻ tại Hà Nội hiện giảm sút nghiêm trọng. Nếu như vài năm trước, mỗi năm trung bình có 3-4 dự án giá bán dưới 20 triệu đồng một m2 (dưới 1,5 tỷ đồng) được mở bán, cùng với lượng hàng còn lại của những đợt mở bán trước đó. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay hầu như không có dự án nào ra mắt có mức giá như trên.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản thừa nhận tình trạng từ đầu năm thị trường Hà Nội vắng bóng căn hộ giá rẻ, thậm chí còn không có dự án thương mại mới nào được mở bán. Một số dự án nhà xã hội mới tung ra thị trường nhưng số lượng ít, người mua phải chấp nhận giá chênh cao. Còn nếu mua căn hộ thương mại, khách thường phải mua lại của nhà đầu tư thứ cấp.
Theo ông Đính, tình trạng nguồn cung mới ở thị trường Hà Nội giảm sút trong một năm trở lại đây và phân khúc nhà giá rẻ lại càng khan hiếm bởi quỹ đất hạn hẹp, việc thực hiện các thủ tục đầu tư kéo dài. Ông cho rằng, quỹ đất trong vành đai 3 hầu như không còn hoặc giá rất cao. Những dự án ngoài vành đai 3 đến vành đai 3,5 hiện cũng có một vài dự án, chủ yếu là sản phẩm được mở bán từ vài năm nay.
Bên cạnh lý do quỹ đất, theo ông Đính, một trong những vướng mắc nhất trong việc phát triển căn hộ giá rẻ là thiếu sự hỗ trợ chính sách, ưu đãi cho chủ đầu tư.
"Vài năm trước, khi gói 30.000 tỷ đồng được ban hành, nhiều chủ đầu tư đổ xô chuyển đổi từ căn hộ thương mại sang nhà xã hội hoặc thay đổi chiến lược đầu tư phân khúc cao cấp thành bình dân để được vay. Tuy nhiên, đến nay thì các chủ đầu tư đều không còn mặn mà với nhà giá rẻ nữa", ông Đính nói và cho rằng một số doanh nghiệp lớn có chiến lược tham gia vào phân khúc căn hộ giá rẻ, xong đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào.