Các ngân hàng đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nhất là thời điểm gần cuối năm. Mới đây Agribank đã rao bán cả nhà máy thủy điện để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ - Ảnh: T.L.
Ngày 1-11 tới, Công ty TNHH quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) sẽ tổ chức bán đấu giá 9 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại các địa chỉ số 228, 228D và 230/4 Pasteur với giá khởi điểm là 346,3 tỉ đồng nhằm xử lý nợ xấu.
Các tài sản được đấu giá đợt này hiện đang là trụ sở của Công ty TNHH phát triển địa ốc Hoàng Phố. Trước đó, công ty này đã dùng những tài sản nêu trên thế chấp để bảo đảm cho khoản vay tại Agribank - chi nhánh trung tâm Sài Gòn.
Tuy nhiên, do không có khả năng trả nợ, Công ty Hoàng Phố phải bàn giao tài sản cho Agribank - chi nhánh trung tâm Sài Gòn. Đồng thời, các bên đã thống nhất đấu giá để thu nợ khoản vay theo quy định.
Agribank AMC cũng lưu ý đối với các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá là tài sản được đấu giá theo nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá tài sản xem xét tài sản và tự xác định chất lượng, số lượng, tình trạng của tài sản theo hiện trạng thực tế.
Không chỉ Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng rao bán các tài sản khủng nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Sacombank đang rao bán bất động sản tại địa chỉ 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Trong đó gồm hai tòa nhà, một tòa nhà có diện tích lên đến gần 472m2 và một toà nhà diện tích 346m2. Giá khởi điểm của khối tài sản này là 811 tỉ đồng.
Một thửa đất khác có diện tích hơn 1.200m2 tại mặt tiền đường Trần Quốc Thảo cũng đang được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 342 tỉ đồng.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị yêu cầu các ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu cũng như báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý.
Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng về xử lý nợ xấu tổ chức hồi cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nợ xấu toàn ngành ngân hàng còn khoảng 6,76%, giảm so với mức 10,08% báo cáo Quốc hội trước đây. Song con số này hiện tại vẫn còn ở mức cao, đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những cơ chế chính sách để xử lý hiệu quả hơn.
Theo các ngân hàng, hiện chưa có hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dẫn đến nhiều trường hợp khi thi hành án cơ quan thuế đề nghị phải giữ lại phần thuế khiến cho một số khoản nợ lẽ ra đã thi hành xong nhưng cuối cùng vì vướng mắc này cứ lay lắt.
Một vấn đề khác cũng khiến việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn là đột nhiên xuất hiện các vụ tranh chấp khi ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo. Nhiều vụ do chính người vay chủ động dựng lên nhằm làm trì hoãn việc thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng.