Giao dịch chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ tránh được rủi ro ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Giao dịch chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ tránh được rủi ro ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Xách cả tỉ tiền mặt đi mua đất
Là người kinh doanh bất động sản, chị Loan (Q.8, TP HCM) cho biết mỗi năm chị thực hiện rất nhiều hợp đồng mua đi bán lại nên chỉ muốn giao dịch qua ngân hàng (NH) cho an toàn.
Tuy nhiên đa số những người giao dịch với chị đều dùng tiền mặt , chỉ một số ít chuyển qua NH. “Có nhiều trường hợp tôi làm môi giới, người mua ra NH rút tiền xong đem lại phòng công chứng. Công chứng xong đưa tiền cho người bán rồi người bán lại đem tiền đó chuyển vào tài khoản NH. Bởi tâm lý chung của người dân là tiền trao cháo múc, hợp đồng ra công chứng và trao tiền ngay tại đó.
Nhưng đặc thù của bất động sản (BĐS) là tiền lớn nên việc ôm tiền tỉ đi đi lại lại như vậy rất rủi ro. Vì vậy muốn giao dịch không dùng tiền mặt thì phải bắt buộc, thậm chí chế tài mạnh chứ khuyến khích thì rất khó. Có thể kèm theo yêu cầu có chứng từ xác nhận thanh toán chuyển khoản qua NH mới được chuyển tên làm giấy chứng nhận nhà đất”, chị Loan đề xuất.
Một lý do nữa dẫn đến việc nhiều người "thích" giao dịch tiền mặt là để giảm bớt thuế, phí thông qua việc kê khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giao dịch thực tế. Thời gian qua, cơ quan thuế phát hiện nhiều hồ sơ khai thuế với giá chuyển nhượng thấp hơn cả giá trên bảng giá do UBND tỉnh thành công bố.
Kết quả khảo sát của Cục Thuế TP HCM trong năm 2018 cho thấy, giá thực tế giao dịch trên thị trường bình quân cao hơn gấp 4 - 6 lần so với bảng giá do UBND TP HCM ban hành. Đối với những trường hợp kê khai giá chuyển nhượng phù hợp với giá thị trường cũng đã cao hơn trên 3 lần so với bảng giá. Chính vì vậy mà trong năm 2018, Cục Thuế TP HCM đã kiến nghị UBND TP HCM có bảng giá đất dành riêng cho việc tính thuế, phí về nhà đất để tránh thất thu ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng mỗi năm.
Triệt tiêu tình trạng "2 giá"
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng giống như chuyện đội nón bảo hiểm nếu nhà nước có ý chí bắt buộc thì người dân, doanh nghiệp phải làm theo. Điều này giúp kiểm soát được rửa tiền, chống tham nhũng, ngoài ra còn tránh thất thu thuế trong những trường hợp khai giá trị thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để trốn thuế.
“Ở các nước gần như đã làm được. VN khó khăn vì người dân có thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi mua một tài sản lớn, tôi vẫn muốn giao dịch, chuyển khoản qua NH để nếu xảy ra sự cố, tranh chấp sẽ có bằng chứng, an toàn hơn”, ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, khi chính sách này thông qua sẽ có nhiều tiền mặt chuyển qua NH từ giao dịch BĐS và người dân sẽ mất phí, NH được hưởng lợi rất lớn.
Do vậy phải tính toán lại mức phí làm sao cho phù hợp. Ngoài ra, ở đô thị việc thanh toán qua NH thì đơn giản nhưng ở vùng nông thôn là bất tiện vì NH chưa “phủ sóng” hết. Do đó phải chia ra khu vực hoặc có tiến độ chứ không thể áp dụng chung cả nước.
TS Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV, cho biết thực tế, trong hơn 2 năm triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã có những tiến triển là thanh toán số, internet tăng nhanh khoảng 30%, thanh toán qua di động tăng 80%. Giao dịch BĐS qua NH sẽ thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh hơn, góp phần chống tham nhũng, minh bạch thị trường BĐS, đặc biệt sẽ hạn chế tình trạng 2 giá (giá để tính thuế, phí và giá giao dịch thực tế).
Ở các nước gần như đã làm được.
VN khó khăn vì người dân có thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi mua một tài sản lớn, tôi vẫn muốn giao dịch, chuyển khoản qua NH để nếu xảy ra sự cố, tranh chấp sẽ có bằng chứng, an toàn hơn
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM