Bữa ăn sáng trong nhà người bản địa tại homestay Na Hang (Tuyên Quang) - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đối thủ của khách sạn 3 sao
Đến TP.HCM công tác trong vài ngày vào đầu tháng 7, anh Micheal (Úc) đã chọn một căn hộ 2 phòng, không gian chung được thiết kế thân thiện có bếp, phòng khách... được cho thuê ở Q.4 với giá 35 USD/đêm/phòng.
"Tôi tìm được căn hộ này trên Airbnb, mức giá này tương đương với khách sạn 3 sao mà tôi ở trước đó trong những lần đến TP.HCM nhưng cảm giác thì hoàn toàn khác, mọi thứ thoải mái, rộng rãi và cho tôi cảm giác gần gũi với TP này hơn" - Micheal nói.
Theo báo cáo nghiên cứu của Outbox Consulting - công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn giải pháp về du lịch, thị trường lưu trú phục vụ du lịch Việt Nam những năm gần đây nóng với hiện tượng các nhà đầu tư cá nhân mua hoặc thuê lại nhiều căn hộ khác nhau tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, sau đó cho thuê lại dưới dạng ngắn hạn cho du khách.
Việc có nhiều lựa chọn trong dịch vụ lưu trú khiến sự cạnh tranh trên thị trường này ngày càng khốc liệt. Cuộc chơi này đang ngày càng chuyên nghiệp khi từ những nhà đầu tư có sẵn phòng trống, hiện đã hình thành một ngành dịch vụ, được đầu tư bài bản, có "thắng và thua". Mô hình này còn kéo theo hàng loạt startup trong lĩnh vực cho thuê phòng như Luxstay, Mystay, Homeaway...
Ông Phước Đặng - CEO Outbox Consulting - cho biết ở các TP lớn, dịch vụ chia sẻ nhà không chỉ là nguồn thu tăng thu nhập cho những người có nhà hoặc phòng trống cho thuê mà còn trở thành sản phẩm kinh doanh với mức lợi nhuận cao.
Trong khi đó, theo báo cáo của AirDNA, công ty cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, thị trường homestay (nhà ở có phòng cho du khách thuê) tại Việt Nam đang tăng trưởng gấp 5 lần về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Chủ nhà muốn tối ưu bán phòng trên OTA cũng phải biết cách, trong đó bao gồm hệ thống nhận diện, phân khúc giá, thông tin cung cấp cho khách hàng... và tương tác sau khi khách đến ở. Điều đó đòi hỏi kỹ năng quản lý và am hiểu công nghệ.
Ông Thủ Nguyễn (nhà đồng sáng lập hệ thống Christina’s)
Khách nhập mã số mở hòm thư để lấy thẻ an ninh và mật khẩu vào thuê căn hộ dạng Airbnb tại một căn hộ cao cấp ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Gắn với gia tăng là rủi ro
Ông Nguyễn Quang Minh - đại diện nền tảng đặt phòng Luxstay - cho biết trong trường hợp nhà đầu tư có căn phòng cho thuê, việc đầu tiên họ sẽ tìm đến nền tảng đại lý trực tuyến (OTA) để có thể tiếp cận được thị trường.
"Tính sơ sơ cũng đã có gần 200 nền tảng như vậy đang hoạt động trong và ngoài nước. Nhưng thực chất với mỗi mô hình nhà cho thuê, chỉ phù hợp với một vài nền tảng nhất định. Ví dụ, một biệt thự tách biệt nằm ở vùng ven, đối tượng khách sẽ khác với căn phòng riêng nằm trong một khu phố cổ..." - ông Quang Minh nói.
Thị trường home-sharing Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhất khu vực gắn với tốc độ phát triển của ngành du lịch. Ở một số TP lớn như Đà Lạt, Nha Trang... đang có tình trạng bùng phát home-sharing. TP.HCM, Hà Nội cũng tăng gấp 3 lần trong vài năm gần đây và gắn liền với gia tăng là sự rủi ro. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường tranh tối tranh sáng, việc cần thiết là tìm hiểu kỹ và đặt ra bài toán tối ưu hóa cho từng dự án.
Ông Nghiêm Bùi - nhà đồng sáng lập và quản lý chuỗi căn hộ Holo Fairy Houses - cho biết khi lượng cung tăng quá nhiều, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng sàng lọc. Nhà đầu tư nào làm tốt sẽ trụ lại được, sẽ có một số bị loại khỏi cuộc chơi. Do đó, nếu nhà đầu tư làm theo phong trào thì khó sống sót được, thị trường đã dịch chuyển sang cách làm chuyên nghiệp và theo hệ thống, chuỗi.
Khách thuê Airbnb tại một căn hộ cao cấp ở Q.4, TP.HCM - Ảnh: N.NHI
Cạnh tranh không sòng phẳng
Anh T. - chủ của 3 khách sạn 2 và 3 sao tại TP.HCM - cho biết dù không quá giẫm đạp nhau trong phân khúc khách hàng nhưng đang có sự cạnh tranh không sòng phẳng.
Cụ thể, khi kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ này, các chủ thể kinh doanh khách sạn phải đáp ứng những điều kiện theo quy định và phải thực hiện một số thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh từ giấy phép như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự do Công an TP cấp...
Ngoài ra, để có giấy phép thẩm định phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp phải tuân thủ rất nhiều quy định trong xây dựng, trong khi với nhà riêng, yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, các khách sạn cũng phải tuân thủ các khoản thuế liên quan trong ngành dịch vụ. Đây là lỗ hổng lớn nhất mà cơ quan quản lý chưa xử lý được.
TP.HCM có nguồn cung lớn nhất
Báo cáo của AirDNA, các TP có doanh thu lớn nhất về homestay là TP.HCM với 41,6 triệu USD, Đà Nẵng 19 triệu USD, Hà Nội 13,3 triệu USD, Lâm Đồng 2,2 triệu USD.
TP.HCM là địa phương cung cấp nguồn cung lớn nhất, chiếm 37% trong tổng nguồn cung. Tuy nhiên, Đà Nẵng, Quảng Nam và Vũng Tàu mới là những nơi có giá cho thuê bình quân cao nhất và có nhiều căn nhà lớn được cho thuê, với số phòng bình quân là 2 phòng ngủ/mỗi lần thuê, trong khi những TP khác chỉ là 1,5 phòng.
Theo báo cáo, công suất bình quân khi cho thuê toàn bộ căn nhà là 47%, trong khi phòng riêng biệt chỉ đạt công suất 36%. Giá bình quân cho thuê toàn bộ căn nhà là 69 USD/ngày, phòng riêng là 31 USD/ngày.