Theo báo cáo mới nhất của Gachvang.vn ngoài giá đất quận 9, quận 2, Củ Chi được nhắc đến nhiều với cường độ tăng mạnh trước đó thì đến nay quận Thủ Đức và Bình Chánh cũng cho thấy dấu hiệu sốt trở lại sau một thời gian dài..
Bình Chánh có nơi tăng 79% so với đầu năm
Ở khu vực Tây Nam TP HCM, huyện Bình Chánh ghi nhận nhiều lô đất đã tăng giá cả tỷ đồng sau một năm.
Đơn cử đất ở Tân Túc, đầu năm 2017 có giá 1,5 tỷ đồng một nền 85 m2 tùy vị trí thì nay đã lập mặt bằng giá mới 2,5 tỷ đồng một nền. Rổ hàng được chào bán trước đây vẫn chưa ai xây nhà nhưng đã trở nên khan hiếm. Người mua vào không bán ra dù môi giới chào có nơi tăng đến 79% so với đầu năm.
Cụ thể ở thời điểm tháng 2 năm nay giá đất trung bình ở Bình Chánh ghi nhận khoảng 28 triệu đồng/m2 thì đến nay đã tăng lên 36 triệu đồng/m2.
Mức giá cao nhất được ghi nhận là 86 triệu đồng/m2 ở xã Bình Hưng, tiếp đó xã Phong Phú neo ở mức 32 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có mức giá tương đương nhau ở vùng 25 triệu đồng/m2…
Giá đất ở Bình Chánh đang được đẩy lên cao
Tuy nhiên xét về biên độ tăng rộng nhất thì xã Tân Nhựt đang dẫn đầu với đà tăng 79% so với đầu năm. Xã Lê Minh Xuân cũng có biên độ tăng rộng với 60,5%, xã Bình Chánh và Vĩnh Lộc A đang lần lượt là 27% với 23%.
Trong khi đó xét về biến động giá đất tại các tuyến đường cụ thể thì có nhiều khu vực giá tăng lên gấp đôi chỉ sau 4 tháng đầu năm.
Cụ thế, 3 tuyến đường trong xã Bình Hưng dẫn đầu về mức độ tăng giá, trong đó đường số 2 giá đất vào tháng 1-2018 là 44,6 triệu đồng/m2 đã tăng lên 70,4 triệu đồng/m2 tại thời điểm này.
Tương tự đường số 4B tăng từ 43 triệu đồng lên 63 triệu đồng/m2, đường Số 6D tăng từ 55 triệu đồng lên 79 triệu đồng/m2.
Thủ Đức cũng có dấu hiệu tăng nhanh
Được đánh giá khu vực có giá ổn định bậc nhất ở thị trường đất nền TP HCM, nhưng từ đầu năm đến nay giá đất ở quận Thủ Đức cũng có dấu hiệu tăng nhanh. Hiện nay mức giá trung bình của quận Thủ Đức là 47 triệu đồng/m2, trong khi đó biên độ tăng giá ở mức 10%.
Giá đất cao nhất đang được ghi nhận tại phường Bình Thọ với mức 67 triệu đồng/m2, tiếp đó Phường Trường Thọ là 61,5 triệu đồng/m2, phường Linh Chiểu 52,1 triệu đồng/m2. Tuy nhiên biên độ tăng giá cao nhất thuộc về phường Linh Trung với tỷ lệ khoảng 15%, phường Hiệp Bình Chánh và phường Tam Phú lần lượt xếp sau với mức 14,7% và 13,6%.
Với mức độ tăng giá ở các tuyến đường thì đường Đoàn Công Hớn (phường Trường Thọ) đang có mức tăng khá lớn từ mức 55 triệu đồng lên 83 triệu đồng/m2; đường Kha Vạn Cân (phường Trường Thọ) cũng có mức tăng tương tự, đường số 7 (phường Hiệp Bình Chánh) cũng tăng 46 triệu đồng lên 70 triệu đồng/m2; đường số 25 (phường Hiệp Bình Chánh) tăng từ 49 triệu đồng lên 72 triệu đồng/m2.
Nhiều chuyên gia nhận định, mức tăng giá trong thời gian vừa qua có rất nhiều lý do khách quan. Trong đó, yếu tố đầu tiên là dòng tiền trong dân có nhu cầu tìm kênh trú ẩn an toàn, chống trượt giá, cũng như kỳ vọng sinh lời cao. Tâm lý an toàn này khiến họ ồ ạt dịch chuyển tiền vào đất hoặc bất động sản liền thổ.
Thứ hai, việc thắt chặt tách thửa tại TP HCM đã khiến nguồn cung tạm thời bị khan hiếm. Tâm lý của người giao dịch nhà đất phổ biến hiện nay là nếu bán đi rồi sẽ khó mua lại, không mua bây giờ sẽ hết hàng. Trên thực tế quỹ đất của thành phố cũng không còn nhiều đất trống (chưa có chủ) nữa. Diễn biến tâm lý này càng đẩy thị trường rơi vào kịch bản giá đất tăng cao.
Thứ ba, sốt đất do giới đầu cơ, môi giới tác động quá sâu vào thị trường làm thay đổi tâm lý của người mua, đầu tư, đầu cơ nhà đất. Với đội ngũ môi giới ngày càng gia tăng và ai cũng có thể trở thành môi giới, số công ty môi giới bất động sản mới thành lập tăng chóng mặt. Giới đầu cơ đã kết hợp nhiều yếu tố cùng phối hợp với đội ngũ môi giới hùng hậu đẩy giá đất tăng rộng khắp.
Với cú hích hạ tầng mạnh mẽ tại TP HCM giai đoạn 2015-2016-2017, việc tăng giá đất là diễn biến tất yếu. Tuy nhiên, các cơn sốt đất nối tiếp nhau không phải là điều tốt cho thị trường. Điều này khiến cho những quan ngại bong bóng bất động sản ngày càng lớn dần.
Nhóm đáng lo ngại nhất hiện nay là nhà đầu tư đất nền đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà (vay trên 50% giá trị tài sản trở lên). Chỉ cần có sự thay đổi chính sách thị trường nhà đất thì những nhà đầu tư, đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính có thể bị tác động mạnh.