Giải thích cho nhận định này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Định giá và Quản lý Tài Sản CBRE Việt Nam, cho rằng trong nửa đầu năm 2018, thị trường căn hộ chung cư bị tác động bởi hàng loạt sự cố như cháy nổ, tranh chấp, cùng với đó là động thái siết chặt tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước nên diễn biến không được khả quan. Trước tình hình đó, các chủ đầu tư chủ yếu ở trong tâm thế nghe ngóng nên nguồn cung mới trên thị trường giảm.
Khảo sát của CBRE cho thấy, so với quý 2 năm ngoái, cả ở Hà Nội và TP HCM đều thiếu vắng dự án mới quy mô lớn. Theo số liệu thống kê, trong quý 2 chỉ có khoảng 20 dự án mới mở bán, nhưng đa số là những dự án mở bán giai đoạn tiếp theo, chưa thực sự có hoạt động quảng bá mạnh mẽ. Điều điều này cũng tác động đến doanh số kinh doanh.
Dự án nào đang trong điểm sáng quy hoạch sẽ có tiềm năng tăng giá dài hạn chứ không phải tăng trên bình diện thị trường.
Bà An cũng cho rằng, những dự án quy mô lớn sẽ có khoảng chờ nhất định, có thể trong quý 2 chủ đầu tư chưa sẵn sàng mở bán do những vấn đề pháp lý, quá trình duyệt dự án trong nội bộ, và sẽ lựa chọn thời điểm cuối năm để mở bán ra thị trường.
Trả lời câu hỏi vì sao nguồn cung mở bán mới ít, giao dịch giảm song CBRE vẫn dự báo giá căn hộ sẽ tăng vào cuối năm, bà An cho biết, một số dự án tại những vị trí đắc địa đã mở bán từ năm 2017 vào giai đoạn sắp hoàn thiện nên có chiều hướng tăng giá. Đặc biệt, giá phân khúc cao cấp sẽ có khả năng tăng cao, các phân khúc khác sẽ vẫn giữ ở mức ổn định.
Ở TP HCM, hoạt động bán hàng phân khúc cao cấp rất sôi động. Một vài tường hợp cá biệt, có mức tăng giá rất cao, từ 100 – 120, 150 triệu đồng/m2.
"Thị trường đang phát triển rất nhanh cả về quy mô và số lượng dự án. Do đó, dự án nào đang trong điểm sáng quy hoạch sẽ có tiềm năng tăng giá dài hạn, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khả năng tăng giá đến từ những dự án này chứ không phải bình diện thị trường", bà An lý giải.