Mua qua vi bằng giao nhận tiền
Quân, một nhân viên môi giới nhà đất, làm ở một văn phòng thừa phát lại, đưa tôi đi xem một căn nhà “3 chung” tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) đang rao bán. Từ đường lớn Vĩnh Lộc quẹo vào hẻm chừng 300m, một khu đất hoang vắng mọc lên dãy 9 căn nhà đã xây dựng xong.
Căn nhà một trệt một lầu, diện tích 4m x 16m, năm ngoái mua 1,4 tỷ đồng nay tăng lên 1,6 tỷ đồng. Thấy tôi băn khoăn về hồ sơ pháp lý, Quân lấy hồ sơ của một căn nhà đã giao dịch trước đó giải thích: “Bộ pháp lý” đóng thành quyển sổ, ngoài ghi là văn phòng thừa phát lại, trang thứ 2 là chụp hình 2 người (ghi rõ họ tên, trú quán) chuyển tiền cho nhau và lập vi bằng; những trang tiếp theo là hợp đồng mua bán đất bằng giấy tay, cuối cùng là bảng photo sổ đỏ khu đất - là đất nông nghiệp. Nhìn tới nhìn lui, 3 loại giấy tờ đó chẳng liên quan gì, nhưng lại ngầm hiểu rằng, đó là bộ hồ sơ hoàn chỉnh về giao dịch của nhà “3 chung”(!?).
Một khu nhà “3 chung” tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang được rao bán bằng hình thức lập vi bằng giao nhận tiền bạc
Cách đó không xa, tại ấp 6, một khu nhà “3 chung” gồm có 3 dãy với 52 căn, diện tích mỗi căn 4m x 16m, xây dựng một trệt một lầu, hẻm rộng 3,5m. Số nhà ở đây khá kỳ quặc, một căn ghi là F1/15/2F3, căn kế bên lại ghi F1/15/2F8 nhưng căn kế bên là F1/15KT…
Một người dân cư ngụ tại đây giải thích, số nhà là do điện lực cấp để đặt đồng hồ; hộ khẩu của anh ở quận 10 nhưng xin chuyển về đây chưa được, chỉ có KT3.
Nhà “3 chung” thường được hình thành trên những thửa đất có khuôn viên 3m x 11m, 4m x 12m hoặc 4m x 16m, không đủ điều kiện tách thửa. Theo một cán bộ Sở Xây dựng TP HCM, nhà “3 chung” xuất hiện ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12… đã và đang xảy ra tranh chấp, bởi vì sổ hồng đứng tên chung cho nhiều chủ, khó thế chấp ngân hàng để vay tiền…
Siết chặt quản lý
Nhận xét về nhà “3 chung”, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, ta thán tại một hội nghị gần đây: Khi xin phép xây dựng, cơ quan cấp phép thể hiện rõ nhà “3 chung”, nguyên căn nhà chừa đường đi chính giữa, như vậy khi xây xong chỉ cần bít cái vách là thành căn nhà. “Đừng cấp phép như vậy, không thể quản lý được, phát sinh rất nhiều vấn đề hệ lụy sau này”, ông Long nói.
Vì sao biết nhà “3 chung” nhưng không xử lý được? Một cán bộ thanh tra xây dựng phân tích, quy định pháp luật chỉ có không phép, sai phép, chứ không có khái niệm nhà “3 chung”; việc xử phạt căn cứ theo giấy phép do quận huyện cấp. Thực tế cấp phép là không sai, vẫn đảm bảo hệ số, mật độ, các tiêu chí, nhưng kiểu cấp phép như trên sẽ tạo kẽ hở, người dân dựa vào đó làm nhà “3 chung”.
Một khu nhà "3 chung" tại huyện Bình Chánh
Ví dụ, một căn nhà “3 chung” có 5 căn nhà nhưng trong giấy phép thì không có 5 căn, không có 5 cầu thang đi lên từ tầng trệt. Tuy nhiên, nhìn vào giấy phép sẽ thấy nhà “3 chung”: mặt dựng bên ngoài thấy rõ 5 căn nhà vì có 5 nóc nhà, phần móng cũng làm sẵn từng căn; khi xây dựng bên trong cũng không có vách ngăn và chỉ có 1 cầu thang đi lên.
Sau này chỉ cần ngăn vách, đục lỗ làm cầu thang là thành 5 căn nhà riêng. Thanh tra chỉ phạt trong quá trình xây dựng tiến hành ngăn vách, hoặc làm thêm cầu thang, khác với giấy phép xây dựng. Nhưng thực tế xây cầu thang hay làm vách chỉ diễn ra khi công trình đã hoàn thành, đã được nghiệm thu và được hoàn công. Cũng theo cán bộ này, TP HCM từng có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc cấp phép nhà “3 chung”, nhưng chỉ có huyện Hóc Môn là ngưng cấp phép.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM, đối với người thu nhập thấp sẽ chấp nhận mua nhà “3 chung” để an cư, thay vì ở nhà thuê, giá nhà đất càng tăng sẽ không có cơ hội sở hữu. Ứng xử với nhà “3 chung”, nên tăng cường quản lý về mặt hành chính, tức là có hay không thừa nhận loại hình nhà “3 chung” phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Nếu chấp thuận thì chính quyền có chính sách phù hợp, như siết diện tích căn nhà, quy định số nhân khẩu, hạ tầng…
Tất cả điều đó sẽ giúp quản lý đô thị tốt hơn. Chứ cứ lơ là như hiện nay, lỏng lẻo về mặt pháp lý như chuyển nhượng giấy tay, lập lờ vi bằng, thì tiếp tục là kẽ hở để các đầu nậu trục lợi, cuối cùng người nghèo bị thua thiệt.