Nhà cửa tại Mỹ có diện tích trung bình thuộc vào loại lớn nhất thế giới. Nguyên nhân không đơn giản là bởi nước Mỹ rất rộng.
Theo The Atlantic, khảo sát của các hãng bất động sản như Zillow và Redfin cho thấy diện tích trung bình của các căn nhà dành cho một gia đình tại Mỹ vào khoảng 153 m2.
Năm 2014, giáo sư kiến trúc Sonia Hirt thuộc Đại học Georgia nghiên cứu thị trường bất động sản hàng chục quốc gia và phát hiện diện tích nhà trung bình tại Mỹ luôn lớn nhất thế giới.
Không gian sống của các gia đình tại Mỹ luôn rộng hơn các nước khác khoảng 55-75 m2. Chỉ có Australia, Canada và New Zealand là các nước có diện tích nhà trung bình ngang bằng Mỹ.
Kích thước trung bình nhà ở tại Mỹ luôn thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Ảnh: Hilton & Hyland.
Nhiều người nghĩ rằng người Mỹ xây nhà rộng vì diện tích nước Mỹ rất lớn, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nga và Kazakhstan cũng rất lớn, nhưng diện tích nhà trung bình thua xa Mỹ.Tất nhiên mọi so sánh đều là khập khiễng khi mỗi quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa và mật độ dân số khác nhau. Dù vậy, giới chuyên gia cho biết lịch sử, văn hóa và nền kinh tế đặc biệt của Mỹ đã giúp công dân nước này tận hưởng diện tích không gian sống thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Theo giáo sư Hirt, trong một thế kỷ qua, chính phủ Mỹ luôn khuyến khích công dân sở hữu nhiều đất đai, ở những căn nhà có sân vườn phía trước. Nhờ giá vật liệu rẻ, người dân Mỹ ồ ạt xây nhà lớn.
Hạ tầng giao thông cũng đóng vai trò quan trọng. Người dân Mỹ chuộng mua những căn nhà to lớn ở vùng ngoại ô bởi giá thành rẻ và việc di chuyển đến trung tâm thành phố là rất dễ dàng nhờ mạng lưới đường cao tốc hiện đại.
Giáo sư Hirt nhận xét người châu Âu thường cải tạo những ngôi nhà đã có sẵn hơn là xây một căn mới. Ảnh: Winkworth. |
Bà nhấn mạnh đây là điểm khác biệt giữa Mỹ và các nước châu Âu. Ngoài ra, theo giáo sư Hirt, người Mỹ ưa thích sự mới mẻ. Trong khi đó, người châu Âu có xu hướng chuộng nét đẹp cổ điển, nên thường tái tạo những không gian đã có sẵn chứ ít khi xây mới. |
Nửa đầu thế kỷ 20, nhiều quốc gia châu Âu còn rất nghèo, vật liệu xây dựng lại đắt đỏ. Các nước phải tập trung tái tạo đô thị sau Thế chiến II, nên người dân không mạnh tay chi tiền xây nhà ở rộng lớn.
Ngoài những nguyên nhân lịch sử, văn hóa hay luật pháp, nhà sử học Robert Bruegmann đánh giá kinh tế mới là yếu tố quyết định diện tích nhà ở Mỹ. Từ thập niên 1970, người Mỹ đã bắt đầu xem ngôi nhà của họ là tài sản có giá trị cao.
"Người Mỹ luôn tư duy rằng giá bất động sản sẽ tăng nhanh, và nhà càng lớn sẽ bán được càng nhiều tiền. Họ vay ngân hàng rất nhiều và mua căn nhà to nhất có thể", nhà sử học Louis Hyman từ Đại học Cornell nhận xét.
Đời sống cộng đồng được cho là ảnh hưởng lớn đến quyết định xây nhà của người Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Chưa hết, ảnh hưởng xã hội và cộng đồng cũng là một nguyên nhân quan trọng. Nhà kinh tế học Robert Frank của Đại học Cornell phân tích: "Nếu bạn đến tham dự một bữa tiệc do đồng nghiệp hay bạn bè mình tổ chức, mà bạn thấy phòng ăn ở nhà mình chỉ đủ chứa khoảng một nửa trong số khách mời ở bữa tiệc đó, bạn sẽ có thể nghĩ rằng ngôi nhà của bạn quá nhỏ", ông nói. |
Mặc dù vậy, những năm qua các ngôi nhà mới xây tại Mỹ đã trở nên nhỏ hơn. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Xây dựng Quốc gia, từ năm 2003 đến năm 2018, trung bình diện tích nhà trung bình người Mỹ muốn mua giảm từ 210 m2 xuống còn 192 m2.