Đó là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Chúng tôi xin trích đăng bài nhận định, đánh giá của ông về thị trường bất động sản.
"Thời gian gần đây, có một số ý kiến lo ngại việc thị trường bất động sản phát triển quá nóng, có khả năng bong bóng, là "ngòi nổ" cho suy thoái kinh tế như nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê và quan sát thực tế từ các dự án, chủ đầu tư và đơn vị môi giới, tôi có thể khẳng định, thị trường bất động sản đang phát triển đúng hướng, ổn định, lành mạnh. Điều này thể hiện ở 3 yếu tố:
Thứ nhất, năm 2017, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh so với năm 2016. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, có 64.263 giao dịch thành công (chưa kể đất nền dự án), chủ yếu là sản phẩm chung cư giá rẻ và trung cấp.
Thứ hai, giá cả bất động sản nói chung ổn định, trong đó, giá chung cư tăng nhẹ khoảng 5%, đất nền tăng khoảng 10%; tồn kho tiếp tục giảm 17% so với thời điểm tháng 12/2016 (tính đến ngày 20/11/2017 còn hơn 25.700 tỷ đồng), phân khúc giá rẻ có tính thanh khoản tốt. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đã phối hợp với đối tác Thái Lan thực hiện khảo sát, kết quả cho thấy, các dự án thương mại giá rẻ tiêu thụ hết trong khoảng thời gian 6 tháng, đây là con số đáng mong đợi của các nước Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Thứ ba, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong giới hạn an toàn. Đến hết năm 2017, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 8% tổng dư nợ. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng bất động sản đã đi đúng hướng, an toàn hơn rất nhiều so với trước đây. Sự thiếu hụt tín dụng bất động sản được thay thế một phần bởi dòng vốn FDI.
Năm 2018, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng cơ chế tín dụng tích cực, linh hoạt hơn cho thị trường bất động sản, đồng thời, có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo điều kiện cho ngành nghề khác phát triển theo.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015 vào cuộc sống. VNREA cam kết sẽ vận động các thành viên Hiệp hội chung tay, chung sức cùng Chính phủ chăm lo nhà ở cho người dân.
Cụ thể, trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng mà Quốc hội thông qua cho chương trình nhà ở xã hội, hiện còn 1.200 tỷ đồng chưa giải ngân. Trong số này, chúng tôi đề nghị dành 600 tỷ đồng cho nhà thu nhập thấp, 600 tỷ đồng còn lại bù lãi suất cho vay dành cho đối tượng mua nhà ở thương mại giá rẻ, để tạo dòng tiền cho các ngân hàng thương mại, đảm bảo đầu ra cho nhà ở thương mại giá rẻ, cũng như tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Đồng thời, một số vướng mắc tại các dự án đầu tư phát triển bất động sản như quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ; quy định pháp lý cho những loại hình bất động sản mới như condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng), village resort (biệt thự nghỉ dưỡng)… nếu được kịp thời gỡ vướng, thì thị trường bất động sản năm 2018 còn có bước tăng trưởng ấn tượng hơn nữa".