
Các dự án cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long đang rất thiếu cát san lấp – Ảnh: TTXVN
Từ năm 2010, Cục Địa chất đã khảo sát và khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác vật liệu xây dựng loại A và 58 vùng loại B với trữ lượng khoảng 196 tỉ m3. Đây là nguồn vật liệu lớn có thể giải quyết ngay vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên cát biển hiện vẫn ít được chọn làm vật liệu xây dựng do hạt nhỏ, mịn, kèm theo lượng mùn, sét nhiều hơn cát sông; muốn sử dụng trong xây dựng, phải rửa mặn và loại bỏ một số thành phần hóa học có hại, gây ăn mòn kim loại như SiO3, hoặc nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình.
Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến 2050, nhu cầu cát xây dựng (chỉ tính riêng cho bê tông và vữa) ở Việt Nam đến năm 2025 khoảng 170-190 triệu m3/năm, đến năm 2030 khoảng 200-220 triệu m3/năm
Tại phiên chất vấn phiên họp thứ tư kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã trao đổi với Bộ TN-MT nghiên cứu sử dụng cát biển cho san lấp mặt bằng các dự án cao tốc Bắc – Nam; riêng các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 400 km, nhu cầu cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, dân sinh khác.

Công nghệ khai thác và xử lý cát biển cần đầu tư lớn của Nhà nước – Ảnh: TL
Vì thế, Cục Địa chất cho rằng, để đảm bảo an toàn, chỉ nên khai thác cát biển ở vùng biển có độ sâu lớn hơn 10 m, cách xa bờ biển, đảo hơn 20 km, độ sâu khai thác vào đáy biển dưới 10 m. Đặc biệt việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát biển phải do cấp trung ương thực hiện, không phân cấp cho địa phương mới đảm bảo công tác bảo vệ môi trường sinh thái.