Tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi xuống vào cuối tuần này, nhưng nhiều khả năng sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối tuần này, tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) của Trung Quốc sẽ rơi trở lại Trái Đất. Thay vì rơi xuống biển theo dự tính ban đầu, Long March 5B đang bay quanh Trái Đất và mất kiểm soát.
Sự im lặng từ Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cùng với tốc độ di chuyển quá nhanh của tên lửa khiến cho các nhà khoa học ở những cơ quan nghiên cứu vũ trụ khác không đủ dữ liệu tính toán, xem tên lửa sẽ rơi xuống đâu.
Khó có thương vong về người
Tên lửa Long March 5B dài 30 m, nặng 22,5 tấn, và khi rơi xuống đất sẽ tương đương với một chiếc máy bay nhỏ rơi và mảnh vỡ văng xa 160 km. Đây là nhận xét của Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian.
Năm 2020, một mảnh vỡ dài 50 m cũng từ tên lửa Trung Quốc đã rơi xuống Đại Tây Dương, chỉ 13 phút sau khi đi qua thành phố New York với 9 triệu dân. Tuy nhiên, một mảnh dài 12 m có thể đã rơi xuống một ngôi làng tại Bờ Biển Ngà, theo The Verge, trích nguồn trang báo địa phương Afriksoir. Người dân làng đã nghe một tiếng nổ lớn, chớp và tiếng động vào cùng thời điểm mà các nhà khoa học tính toán mảnh vỡ tên lửa sẽ bay qua.
Mảnh vỡ dài 12 m rơi xuống làng Mahounou ở Bờ Biển Ngà vào tháng 5/2020 được cho là của tên lửa Trường Chinh 5B. Ảnh: Afrik Soir.
Quỹ đạo tái nhập bầu khí quyển của các tên lửa vốn rất khó dự đoán, vì chúng di chuyển với vận tốc hàng nghìn km một giờ. Các nhà khoa học chỉ có thể tính toán chính xác sau khi tên lửa đã quay trở lại bầu khí quyển và bắt đầu rơi xuống. Tuy nhiên, theo ước tính của ông McDowell, sẽ khó có thiệt hại về người.
Các tên lửa thường sẽ bị đốt cháy gần hết khi đi qua bầu khí quyển. Chỉ một số bộ phận, vốn được thiết kế chịu nhiệt tốt hơn, có thể rơi trở lại Trái Đất. Tuy nhiên, với diện tích bề mặt hành tinh lên tới 75% là nước, và cũng có nhiều phần mặt đất không có người sinh sống, xác suất để các mảnh vỡ tên lửa có thể rơi đúng xuống nơi có người là rất thấp.
"Kịch bản tệ nhất là khi có mảnh nhỏ rơi vào một người, người đó nhiều khả năng sẽ chết. Xác suất để có nhiều người bị mảnh vỡ rơi vào không cao", ông Jonathan McDoWell nhận xét.
Với tốc độ chạm đất có thể vào khoảng 160 km/h, những mảnh vỡ rơi vào công trình, xe cộ cũng sẽ để lại hậu quả lớn. Tuy nhiên, vì các mảnh vỡ sẽ rơi trong một vùng có đường kính tới 160 km, khả năng chúng rơi xuống khu dân cư, có người sinh sống cũng rất thấp.
Tên lửa Long March 5B chứa module lõi của trạm vũ trụ mới. Ảnh: Getty Images.
Theo Independent, trong hàng chục năm qua có khoảng 100 vệ tinh, xác tên lửa quay trở lại Trái Đất mỗi năm, với tổng khối lượng lên tới 150 tấn. Tuy nhiên, phần lớn không gây hậu quả nghiêm trọng.
Khối rác vũ trụ rơi xuống vào năm 2020 là khối lớn thứ tư rơi trở lại Trái Đất trong lịch sử, sau trạm không gian Skylab năm 1979, tầng tên lửa của Skylab năm 1975 và Salyut-7, trạm không gian của Liên Xô, năm 1991.
Vấn đề lớn với rác vũ trụ
Đây không phải lần đầu CNSA gặp vấn đề với vật thể đáp xuống Trái Đất từ không gian. Năm 2018, trạm vũ trụ Tiangong-1 đã rơi tự do xuống Thái Bình Dương, giữa Australia và Chile. Vụ việc ở Bờ Biển Ngà diễn ra tháng 5/2020 cũng do một tên lửa Long March 5B khác.
Tuy có rất ít khả năng gây thiệt hại về vật chất hay tính mạng, việc xử lý các tên lửa, vệ tinh hết giá trị sử dụng vẫn làm nhiều nhà khoa học đau đầu.
Khi một vệ tinh hết hạn, không sử dụng được nữa, nó sẽ tiếp tục quỹ đạo của mình. Một tên lửa đẩy sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo cũng sẽ bị bỏ lại trên không trung. Và khi hai vật thể trên vũ trụ va chạm với nhau và tạo hàng triệu mảnh vỡ, chúng cũng được bỏ lại trên không gian.
Những mảnh rác vũ trụ đang vây quanh Trái Đất. Ảnh: Nikkei.
Chẳng có ai đưa tàu lên và thu gom các mảnh vỡ trên vũ trụ cả. Tất cả những vật liệu do con người bỏ lại từ trước tới nay được gọi là rác vũ trụ.
Nhà khoa học của NASA Donald Kessler cho rằng việc 2 mẩu rác vũ trụ lớn va vào nhau có thể tạo nên hiệu ứng domino, làm thành hàng nghìn mảnh vỡ nhỏ hơn tiếp tục quay quanh Trái Đất.
Ông Kessler cảnh báo sẽ có ngày rác vũ trụ trở nên quá nhiều, đến nỗi chúng ta không thể phóng vệ tinh lên mà không va chạm vào một vật thể khác. Đến lúc đó, chúng ta sẽ thành tù nhân trên chính hành tinh của mình, và chẳng biết đổ cho ai khác ngoài loài người.
Đối với các tên lửa có thể kiểm soát, các cơ quan vũ trụ sẽ tính toán để đưa chúng rơi trở lại Point Nemo, nơi được coi là "nghĩa địa" của tàu vũ trụ trên đại dương.
Với khoảng cách tới đất liền gần nhất là 2.250 km, Vòng hải lưu nam Thái Bình Dương được coi như "cực của đại dương" và không khác gì một vùng sa mạc giữa biển.