Tại báo cáo này, Sở Giao thông Vận tải TP HCM (GTVT) cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Công ty CP tư vấn xây dưng công trình Hàng Hải (đơn vị tư vấn) lập, dự kiến bổ sung quy hoạch cảng container, tổng hợp, hành rời tại 4 vị trí trên địa bàn huyện Cần Giờ. Qua xem xét, Sở GTVT TP có ý kiến như sau:
Đối với vị trí số 1, tiếp giáp sông Lòng Tàu (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ), theo báo cáo đơn vị tư vấn, dự kiến quy hoạch cảng biển quy mô 250 ha, chiều dài đường bờ khoảng 5.000 m, cỡ tàu 30.000 – 50.000 DWT. Qua xem xét, Sở nhận thấy vị trí này có kết nối giao thông thuận lợi với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, nên có khả năng xem xét nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng biển, tuy nhiên cần nghiên cứu diện tích khu dịch vụ cần cảng tiếp giáp phía sau cảng.
Đối với vị trí số 2, tiếp giáp sông Lòng Tàu (xã Thạnh An), dự kiến quy hoạch cảng biển với quy mô 50 ha, chiều dài đường bờ 800m, cỡ tàu đến 100.000 DWT, nằm trong vùng đệm – Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Qua xem xét, vị trí này không có quy hoạch giao thông bộ kết nối nên đề xuất không nghiên cứu.
Đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung quy hoạch cảng container, tổng hợp, hành rời tại 4 vị trí trên địa bàn huyện Cần Giờ. Ảnh: Sơn Vinh
Đối với vị trí số 3, tiếp giáp luồng Sài Gòn – Vũng Tàu (xã Long Hoà), dự kiến quy hoạch cảng biển quy mô 150 ha, chiều dài khoảng 3.000 m, cỡ tàu đến 150.000 DWT, nằm trong vùng đệm – Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Qua xem xét, vị trí này có kết nối giao thông vào tuyến đường Rừng Sát, nằm tại cửa biển, tiếp nhận được tàu biển có tải trọng lớn, tàu khách quốc tế. Nên trường hợp nghiên cứu quy hoạch cảng biển cần nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển hàng hoá chủ yếu bằng đường thuỷ, hạn chế tối đa vận chuyển đường bộ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời lấy ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường đối với quy hoạch nằm trong vùng đệm – Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đối với vị trí số 4, tiếp giáp luồng Cái Mép – Thị Vải (địa phận Cù Lao Ông Chó): dự kiến quy hoạch cảng biển chuyên dụng với quy mô 100 ha, chiều dài đường bờ khoảng 2.500 m, cỡ tàu đến 200.000 DWT. Qua xem xét, Sở nhận thấy vị trí này tuy không có quy hoạch giao thông bộ kết nối, nhưng do nằm tại biển giáp với tuyến luồng hàng hải quan trọng là tuyến Luồng Cái Mép – Thị Vải và luồng Sài Gòn – Vũng Tàu, tiếp nhận được tàu biển có tải trọng lớn, nên đề xuất nghiên cứu quy hoạch cảng biển chuyên dựng và thực hiện trung chuyển hàng hoá đường thuỷ nội địa tại vị trí này có thể xem xét.
Ngoài ra, đề xuất xem xét nghiên cứu quy hoạch biển nước sau (cảng tiềm năng) tại bờ phải sông Thị Vải, khu vực Cù lao Gò Gia, huyện Cần Giờ phục vụ tàu biển 80.000 DWT, giai đoạn sau năm 2030.
Trước tình hình trên, Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, ban hành các tiêu chí về quy hoạch, kỹ thuật, công nghệ của cảng và khu vực dịch vụ hậu cần cảng (logictics) tiếp giáp phía sau cảng, trong đó cần xác định về diện tích kho bãi, khu vực logictics, khu vực cảng cạn, vùng đệm cách ly giữa khu vực cảng, khu vực dịch vụ, khu vực đô thị… để hoạt động bền vững, hiệu quả nhưng không tác động tiêu cực đến môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông.
Sớm chuyển đổi công năng Khu cảng trên sông Sài Gòn
Tại báo cáo này, Sở GTVT TP đề xuất UBND TP HCM tiếp tục thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn theo quyết định 791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối với các cảng biển trên sông Sài Gòn còn tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không nâng cấp mở rộng và nghiên cứu thực hiện chuyển đổi công năng theo quy hoạch sử dụng đất của TP trước hoặc khi hết thời hạn thuê đất.
Riêng đối với khu cảng Sài Gòn từ khu vực bến Tân Thuận của cảng Sài Gòn đến bến cảng ELF Gas Sài Gòn đề nghị nghiên cứu chuyển đổi công năng sớm. Đối với khu bến Tân Thuận của cảng Sài Gòn đề nghị nghiên cứu chuyển đổi công năng đến năm 2020.