Tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh: Alex Wong/Getty Images
Quay lại thời điểm năm 1995, khi Amazon chỉ là một công ty khởi nghiệp hoạt động trong một tầng hầm rộng 2.000m2 ở Seattle.
Thời điểm đó, Jeff Bezos và số nhân viên ít ỏi của ông phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau trong ngày làm việc. Họ cùng tập trung tại văn phòng nhiều giờ để in và đóng gói các đơn đặt hàng sách mà họ nhận được mỗi ngày từ khắp nơi trên thế giới. Đó là công việc khó khăn và mệt mỏi.
Theo một bài phát biểu của Bezos, công ty tại thời điểm đó, không được tổ chức hay phân công rõ ràng. Tệ hơn nữa, quá trình chuẩn bị đơn hàng tiêu tốn rất nhiều sức lực.
"Chúng tôi đóng gói bằng tay và quỳ gối trên sàn bê tông cứng", Bezos nhớ lại. "Tôi từng nói với người làm bên cạnh rằng: 'Đống bao bì này đang giết chết tôi! Lưng tôi đau, đầu gối tê cứng' và người đó đáp lại 'vâng, tôi hiểu ý anh'", Bezos nói thêm.
Chính trong thời điểm khó khăn đó - Jeff Bezos - "người hùng" của nhiều người, thiên tài kinh doanh, Giám đốc điều hành của một công ty hiện có 600.000 nhân viên với vốn hóa thị trường khoảng 1.000 tỷ USD và hiện là người đàn ông giàu nhất thế giới - chợt nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời cứu cả công ty và thay đổi ngành thương mại điện tử sau này.
"Bạn nghĩ chúng ta cần gì nhất lúc này? " - Bezos hỏi một nhân viên khi họ đang đóng gói các hộp đựng hàng cùng nhau. "Thứ chúng ta cần là... những chiếc xe đẩy!", ông tự trả lời.
Trong khi nhân viên kia (Nicholas Lovejoy, người từng làm việc tại Amazon trong ba năm, trước khi tách ra thành lập tổ chức từ thiện của riêng mình bằng số tiền hàng triệu đô mà anh ta kiếm được khi cổ phiếu Amazon lên sàn) nhìn Bezos như kiểu Jeff Bezos là "anh chàng ngu ngốc nhất trong phòng" - tất nhiên đây là theo cách nói của Bezos.
"Thứ chúng ta cần ư Jeff... là một vài chiếc bàn để đóng gói", Lovejoy nói.
Vì vậy, ngày hôm sau Jeff Bezos đã mua ngay một vài chiếc bàn đóng gói giá rẻ. Và kết quả là năng suất ngay lập tức tăng gấp đôi.
Trong một bài phát biểu, Bezos từng nói rằng câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều ví dụ về cách Amazon đã xây dựng văn hóa dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm của mình. Có lẽ đó là sự thật.
Câu chuyện trên có thể còn mang một ý nghĩa khác. Đó là, đôi khi, chỉ đôi khi, những người thành công, thông minh, giàu có và quyền lực có thể không xuất sắc như bạn nghĩ. Họ cũng có thể không phải lúc nào cũng có câu trả lời đúng. Đôi khi, họ thực sự có thể chỉ là chàng trai ngu ngốc nhất trong phòng.
Vì vậy, hãy ghi nhớ điều này để áp dụng vào lần tới khi bạn thương thảo với một khách hàng, nhà cung cấp hay đối tác đáng gờm, những người dường như biết tất cả. Biết đâu, bạn có thể là người nảy ra ý tưởng tuyệt vời.