Dưới đây là chia sẻ của anh Đỗ Văn Tuyên (33 tuổi) về sai lầm của mình khi cố mua nhà lớn lúc tài chính chưa vững:
Từ khi lấy vợ, tôi đã có ý định mua một căn nhà. Nhưng cả hai vợ chồng đều là con nhà nghèo, lên thành phố lập nghiệp nên chưa có vốn. Công việc trong ngành xuất bản của vợ tôi mang lại thu nhập gần chục triệu mỗi tháng. Còn tôi đi chụp ảnh, làm chính tại một nơi và cộng tác thêm vài chỗ, thu nhập khoảng 15-25 triệu/tháng.
Sau 6 năm kết hôn và vừa sinh bé thứ hai, năm 2016, tôi quyết định mua một ngôi nhà tử tế cho vợ con dù trong tay chỉ có khoảng 600 triệu. Căn nhà tập thể rộng gần 40m2 ở quận Đống Đa mà chúng tôi ở đã quá chật chội cho gia đình 4 người, chưa kể thi thoảng bà nội, ngoại lên chăm cháu.
Sau đó, chúng tôi quyết định mua một căn hộ hơn 80m2, giá 2,3 tỷ đồng ở đường Lê Văn Lương kéo dài. Dù số tiền khá lớn nhưng nếu nhà nhỏ thì sẽ rất bất tiện vì khách ở quê thường xuyên ra chơi. Tôi đã xem một số khu rẻ hơn nhưng đều ở vùng ven, tiện ích không đủ hoặc đi lại quá xa.
Chúng tôi nhờ được người quen lo hồ sơ vay ngân hàng được tối đa 1,6 tỷ trong 10 năm. Dù khá lo về số tiền mười mấy triệu trả mỗi tháng nhưng tôi nghĩ "đi thuê cũng tốn 5-6 triệu rồi, vay nợ mua như vậy càng có động lực để cày cuốc, chứ đợi đến ngày nào cho đủ tiền".
Cố mua nhà to khi tài chính có hạn có thể khiến cuộc sống căng thẳng. Ảnh minh họa
Đầu năm ngoái, chúng tôi dọn về ở nhà mới và thấy cuộc đời như sang trang khi sống tại một khu chung cư đầy đủ tiện ích, nhà cửa rộng, cảnh quan đẹp... Nhìn vợ con vui, tôi thấy mình liều cũng đáng.
Cảm giác vui mừng chỉ kéo dài được vài tháng thì gánh nặng trả nợ đè nặng. Mỗi tháng, sau khi trả nợ, vợ chồng tôi phải co kéo số còn lại để lo đủ tiền điện nước, phí dịch vụ, tiền gửi xe, thuê người giúp việc, ăn uống... Thừa được đồng nào, chúng tôi lại dành để trả khoản vay gần trăm triệu mua nội thất.
Tôi cuống lên nhận thêm việc làm để có thêm tiền. Chi tiêu gia đình phải cắt giảm tối đa, con gái lớn phải ngừng học thêm đàn, vẽ. Vợ tôi cũng không dám mua quần áo, váy vóc. Cuối tuần, cả nhà chỉ ở nhà hoặc về quê nhận viện trợ thực phẩm. Tôi tính sẽ cố tiết kiệm vài năm, dồn trả bớt nợ rồi cuộc sống sẽ dễ thở hơn.
Thế rồi cuối năm ngoái, mẹ tôi bị ngã dập xương, phải lên Hà Nội điều trị 2 tuần. Tôi phải đi vay mượn góp viện phí cùng ông anh, vừa lo "nuôi" người nhà lên chăm mẹ. Hai vợ chồng không còn khoản dự phòng nào.
Sau dịp ấy, tôi gần như kiệt sức, chất lượng công việc đi xuống trầm trọng. Với người làm nghệ thuật, đó thực sự là một cú tát. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống như thế nữa. Chia sẻ suy nghĩ với vợ, tôi nhận được sự đồng cảm và chúng tôi quyết định bán nhà.
Việc bán nhà không dễ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện xong, nhận chênh vài chục triệu. Tôi cảm thấy mình đã thất bại vì không giữ được nhà cho vợ con, lại ngại phải giải thích với họ hàng hai bên. Dần dần, mọi việc cũng qua.
Cuộc sống của tôi hiện đã khá tốt. Hai vợ chồng tiếp tục ở thuê trong một căn hộ nhỏ hơn, gần cơ quan vợ để người giúp việc nghỉ, cho con gái thứ hai đi lớp. Mỗi tháng, trừ khoản tiền thuê hơn 5 triệu, chúng tôi sống thoải mái và gửi tiết kiệm đều đặn. Hè này, tôi sẽ đưa gia đình đi nghỉ mát.
Sau khi bán nhà, tôi nhận ít việc hơn để đầu tư cho chất lượng. Hài lòng với những gì mình làm, tôi thấy yêu nghề trở lại. Tôi đặt việc mua nhà là mục tiêu dài hạn. Vợ chồng tôi cần sống cho hiện tại trước rồi mới chuẩn bị dần cho tương lai.
Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (TP HCM) cho biết người Việt vẫn có tâm lý muốn sở hữu một ngôi nhà. Nhiều người dù tài chính eo hẹp vẫn cố gắng mua và coi món nợ đó là động lực để mình cố gắng. Họ cũng cho rằng số tiền thuê nhà dùng để trả nợ sẽ có lợi hơn. Họ tính như vậy vì không biết cách đầu tư sinh lợi tốt hơn gửi ngân hàng.
Theo ông Bội Lê, cần tính phương án an toàn khi vay nợ dài hạn để mua nhà. Chẳng hạn, có thể trả nợ trong 7 năm thì vẫn nên ký hợp đồng vay 10 năm để giữ một khoản dự phòng. Tính kế hoạch sát quá có thể gặp rủi ro nếu thu nhập giảm hoặc có việc phát sinh hay lãi suất tăng.
Ông cũng cho hay, khi áp lực trả góp mua nhà quá lớn, bán nhà để mua căn nhỏ hơn hoặc tiếp tục ở thuê là giải pháp tốt. "Đừng nặng nề chuyện phải sở hữu được ngôi nhà hay tâm lý e ngại khi phải bán nhà, cuộc sống của bạn sẽ đỡ mệt mỏi và thoải mái hơn", ông nói.