Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM (thuộc Hội luật gia Việt Nam) phối hợp cùng viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế vừa tổ chức hội thảo chuyên đề pháp lý “Giá đất và đấu giá đất - Thực trạng và giải pháp”.
Tại buổi hội thảo, 2 nội dung quan trọng được đưa ra để các thành viên tham dự hội nghị tham luận. Đó là vấn đề "giá đất" và "đấu giá đất".
Luật gia Trần Đình Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.
Luật gia, luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP HCM phát biểu mở đầu tại buổi hội thảo đã đưa ra những vấn đề còn nhiều bất cập trong thủ tục tham gia đấu giá đất. Cụ thể, việc phát hành hồ sơ, xét duyệt hồ sơ có nhiều thủ tục rườm rà, như đánh giá, xét duyệt rồi mới quyết định hồ sơ đấu giá có đạt hay không.
Theo luật gia Dũng: "Ở một số nước tiên tiến, thủ tục đấu giá rất đơn giản. Việc đấu giá được thông báo rộng rãi trên truyền thông, sau đó ai có nhu cầu đấu giá, chỉ cần chuyển khoản tiền bảo lãnh vào tài khoản đơn vị tổ chức là có thể tham gia. Như vậy ý nghĩa của việc đấu giá được nâng cao, mọi người, mọi tổ chức, xã hội đều có thể tham gia".
Ở nước ta, chưa công khai việc đăng ký đấu giá ra ngoài xã hội thể hiện qua quy định phải “đăng ký đấu giá hợp lệ” bằng hình thức phát hành hồ sơ đấu giá , nhận lại hồ sơ đấu giá.
Một nội dung khác được luật sư Dũng đưa ra tham luận, đó là quy định trong luật đấu giá: "Nếu chỉ có một cá nhân đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá 2 lần không thành công thì có thể giao thẳng đất cho tổ chức, cá nhân". Điều này tạo ra kẻ hở pháp luật, nhiều người có thể lợi dụng quy định này để trục lợi và việc đấu giá sẽ có những việc không minh bạch.
Việc xử lý tiền đặt trước còn gây nhiều bất cập, gây cản trở đối với người tham gia đấu giá. Đó là người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia buổi đấu giá. Việc định giá đất đấu giá, theo luật gia Dũng nên để TAND đưa ra là hợp lý.
Luật sư Phan Minh Đoàn, đoàn Luật sư TP.HCM có ý kiến tham luận, luật đất đai đã nhiều lần thay đổi, tuy nhiên vấn đề thu hồi đất luôn là điểm nóng, gây nhiều bức xúc.
Điều 62 luật Đấu giá đất có nói: "Thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội", nên nhiều dự án lợi dụng điều này để thu hồi đất dễ dàng, còn vấn đề "phát triển kinh tế xã hội" thì không được làm rõ.
Việc mua đất, thuê đất dự án cũng có nhiều bất cập. Cụ thể khi tiến hành thực hiện một dự án, doanh nghiệp (DN) mua đất của người dân, sau đó nhà nước thu hồi rồi lại rồi cho doanh nghiệp thuê sử dụng. Ở đây có 2 vấn đề, "giá đất khi DN mua" và "giá đất sau đó nhà nước cho DN thuê". Mức giá này được định giá ban đầu không thống nhất, đất DN mua của dân được định giá theo mức giá nhà nước đã quy định, còn giá đất khi DN thuê lại của nhà nước là mức định giá theo thị trường hiện hành và nhiều trường hợp DN không được khấu trừ tiền mua đất trong quá trình thuê đất đã xảy ra.
Bên cạnh đó, tại buổi hội thảo nhiều luật sư, luật gia cũng đưa ra việc quy định "Khung định giá đất có thời hạn trong thời gian 5 năm" là không hợp lý và việc định giá đất dự án ban đầu là một mức giá khác, tuy nhiên sau khi đất thuộc về chủ đầu tư , họ đã biến giá lên cao hơn mức định giá ban đầu để thu lợi nhuận.
Kết thúc hội thảo, tiến sĩ, luật gia Nguyễn Thị Sơn (Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Viện trưởng viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế) đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các luật gia, luật sư và mong các ý kiến này sẽ được các cơ quan chức năng xem xét để có những điều chỉnh về thủ tục giá đất và đấu giá đất.