Ảnh: Reatimes.vn
Thị trường chững lại, song ít nguy cơ xảy ra " bong bóng"
Trong những cơn sốt đất nền xảy ra khắp các tỉnh thành trên cả nước năm 2019, nhiều nhà đầu tư chỉ sau một đêm đã nắm trong tay hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng nhờ mua đi bán lại các nền đất. Những nhà đầu tư lướt sóng cũng chính là một trong những nguyên nhân chính yếu làm khuấy đảo thị trường, gây nên các cơn sốt đất.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít nhà đầu tư thiếu kiến thức bị mắc kẹt, thậm chí thua lỗ do không ra được hàng.
Trong báo cáo mới đây của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, cho biết năm 2019 là năm thứ 2 thị trường và doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.
Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm trước.
Dự báo về thị trường bất động sản 2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Mặc dù, ít có nguy cơ xảy ra "bong bóng", nhưng có thể diễn ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.
Nhà đầu tư có nên lướt sóng?
Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn từ 2015 đến giữa năm 2018, thị trường bất động sản hồi phục và phát triển khiến các nhà đầu tư dễ dàng lướt sóng khi "đánh đâu thắng đó". Họ mua bán nhanh chốt lời nhanh, thậm chí tỷ suất sinh lời cao, gấp 1,5-2 lần. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường chững lại, giới đầu tư buộc phải nghỉ đông.
Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM nhận định, từ giữa năm 2019 đến nay, nhiều nhà đầu tư bất động sản đang rơi vào tình trạng chôn vốn, thậm chí lỗ vì không bán ra được. Bất động sản mua vào dễ nhưng bán ra rất chậm, tỷ suất sinh lời bằng không hoặc thấp dưới ngưỡng kỳ vọng do thủ tục pháp lý bất động sản kéo dài và tâm lý thị trường yếu.
Nhận định về cơ hội cho các nhà đầu tư lướt sóng trong năm 2020, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn sẽ dễ bị sập bẫy trong năm 2020. Thị trường bất động sản năm nay sẽ đứng trước "đầu sóng ngọn gió", thời ăn may đã hết, nhà đầu tư cần có chiến lược bài bản để đi đường dài.
Theo vị lãnh đạo công ty này, trong thời gian tới, thị trường sẽ không còn sóng để lướt và sẽ không thích hợp để mua bán liền tay như thời kỳ nóng sốt. Điều này ngược với giai đoạn thị trường có nhiều đợt nóng sốt và giá tăng mạnh như 2015-2018. Với những kịch bản ảm đạm cho năm 2020 như đã được dự báo, để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, không lướt sóng là cách phòng vệ tốt nhất.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu đầu tư lướt sóng thì khả năng giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian ngắn là rất khó. Cơ hội dành cho những người có tiền nhàn rỗi và phải am hiểu thị trường bất động sản ở khu vực định đầu tư, khi giá đang hạ nhiệt. Ngoài ra, gần đây, xu hướng đầu tư bất động sản ở tỉnh, địa phương lân cận TP.HCM do giá còn thấp và kỳ vọng sẽ tăng giá mạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà đầu tư cần định hướng khoản đầu tư trong thời gian dài 3-5 năm và có sự am hiểu, tìm hiểu kỹ lưỡng khu vực mình dự tính mua đất về pháp lý, quy hoạch, triển vọng tăng giá...
Chung quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cũng đưa ra nhận định, năm 2020, các nhà đầu tư cá nhân cần tránh tâm lý kỳ vọng tăng trưởng cao rồi đưa ra quyết định vội vã. Hơn nữa, sự đổ vỡ của những loại hình bất động sản mới cùng sự nở rộ của hàng loạt dự án ma trong năm vừa qua khiến niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay nên có thể thị trường sẽ đi xuống.