Trong báo cáo gửi Quốc hội về các vấn đề của ngành, trong đó có tình hình thị trường bất động sản từ năm 2017 đến tháng 6-2018, Bộ Xây dựng nhận định giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản và cũng không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, sắp xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao, làm bất ổn thị trường;
Cũng theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản hiện còn phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án mà vẫn còn cơ chế xin - cho khi giao dự án, dễ phát sinh tiêu cực. Trong khi đó, theo Bộ, thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ các cơ quan nhà nước, nhất là các địa phương.
Bộ cho rằng, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP HCM đang thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, cơ cấu hàng hóa đang ngày càng đa dạng. Từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort). Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM..., các cơ quan cũng cho phép một số doanh nghiệp đầu tư loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel). Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015, đến nay có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel... Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho rằng hiện nay các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Bộ Xây dựng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, con số giao dịch thành công tại Hà Nội vào khoảng 8.350 lượt, tăng gần 25% so với cùng kỳ 2017. Ở TP HCM, con số này vào khoảng 9.550 giao dịch, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 20-8, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.700 tỷ đồng. So với lúc đỉnh điểm ở quý I năm 2013 thì con số này đã giảm gần 82% (104.856 tỷ đồng). Tồn kho chủ yếu xảy ra tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ và thiếu dịch vụ thiết yếu nên không bán được hàng.