Theo các thông tin trên một tờ quảng cáo bán đất nền do các môi giới phát dọc đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Duy Trinh, quận 2 (TP HCM), chúng tôi lần tìm đến địa chỉ rao bán khu đất. Tại đây, một nhân viên kinh doanh cho biết, sàn giao dịch của công ty này chuyên thầu đất nền do một số ngân hàng lớn thanh lý. Giá các nền đất chỉ bằng 50% giá bán trên thị trường, dao động từ 400-600 triệu đồng/nền, vị trí ở các quận 9, quận 2… Nhân viên này còn cho biết, nếu muốn mua khách chỉ cần đặt trước 100 triệu đồng, sổ đỏ sẽ được nhận sau 1 tháng.
Vậy nhưng đến khi chúng tôi đi coi đất trực tiếp mới vỡ lẽ, những lời giới thiệu trên chỉ nhằm "dụ" khách hàng. Theo đó, lô đất mà nhân viên giới thiệu cho chúng tôi nằm ở đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2, giá chỉ 18 triệu đồng/m2, trong khi thị trường ở đây đang có giá chào bán lên tới 100 triệu đồng/m2. Đến nơi xem, thì đúng là lô đất nằm ở đường Nguyễn Duy Trinh, nhưng tận cuối đường, giáp với tỉnh Đồng Nai. Được biết, khu đất phân lô này được giới đầu tư bán ra khi đất nền sốt nóng hồi đầu năm 2017, giờ chẳng ai ngó đến.
Khách hàng cần thận trọng trước khi giao dịch đất nền giá rẻ. Ảnh minh họa
Một số khách hàng cho biết, thực ra đây chính là một chiêu thức mà các công ty môi giới nhỏ lẻ tại các khu vực vùng ven đang áp dụng nhằm lôi kéo người mua. Nếu không tỉnh táo, nhiều người rất dễ bị lừa. Phần lớn các công ty môi giới đều quảng bá sản phẩm đất nền mình bán có nguồn gốc từ các ngân hàng, do phát mãi nên giá rẻ.
Khi chúng tôi liên hệ với một số ngân hàng có tên trên tờ rơi do các môi giới phát thì đều nhận được câu trả lời: ngân hàng không có đất nền thanh lý bởi họ không thể cầm cố sản tài sản không có sổ, không có giấy tờ pháp lý rõ ràng.
Do đó, nếu nhẹ dạ mua những lô đất nền nói trên, khách hàng rất dễ gặp rủi ro. Đã có những trường hợp, khách hàng "tiền mất tật mang" khi mua phải đất nền đã bị các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Giới kinh doanh bất động sản cũng xác nhận, thường những quảng cáo sai lệch thông tin như trên là từ nhân viên của các công ty môi giới nhỏ lẻ, ít khách. Cách nhận biết đối tượng này cũng không khó, thay vì thực hiện các cuộc hẹn, giao dịch tại trụ sở công ty thì những môi giới này thường gặp mặt khách ở quán càphê. Khi khách hàng hỏi về thông tin dự án, họ sẽ luôn quảng cáo lòng vòng chứ không nói rõ về tính pháp lý của dự án, trong khi liên tục hối thúc khách hàng xuống tiền đặt cọc giữ chỗ.
Câu chuyện trên chính là mặt trái của thị trường và làm méo mó nghề môi giới bất động sản. Để dụ khách, nhiều công ty môi giới tìm mọi cách, làm đủ mọi thứ với đủ chiêu, trò làm sao bán được hàng. Trường hợp bị khách hàng kiện, những công ty này sẵn sàng đóng cửa, ngừng hoạt động và lập ra một công ty môi giới mới.
Thực trạng này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty môi giới nói trên.