Nhận định đưa ra trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022 do VnDirect mới công bố. Đơn vị này cho rằng, bất động sản nhà ở nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới trước hết nhờ sự phục hồi trên diện rộng của thị trường. Thị trường được kỳ vọng đạt tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021 trong khi áp lực lạm phát được kiểm soát ở mức 2,9%.
Bên cạnh đó, FDI giải ngân tăng 7% so với cùng kỳ trong 2021; đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản. Làn sóng dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng thúc đẩy thị trường địa ốc.
Một trong những đòn bẩy cho thị trường là lãi suất vay mua nhà thấp chưa từng có giúp gia tăng nhu cầu mua nhà. "Chúng tôi nhận thấy lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2-9,5% trong 6 tháng đầu năm, vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm. Lãi suất vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2021. Điều này sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản, đặc biệt là ở thế hệ trẻ Millennial", báo cáo của VnDirect chỉ ra.
Ngoài tín hiệu tích cực của thị trường, lãi suất thấp, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cũng sẽ là động lực cho bất động sản trong giai đoạn 2021-2022. Một số dự án hạ tầng đáng chú ý được hoàn thành trong 2020 gồm đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng; đường vành đai 3 Hà Nội... Trong năm 2021, nhiều dự án lớn cũng sẽ khởi công như sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn một; 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đang thi công và 5 dự án còn lại được kỳ vọng sẽ khởi công trong thời gian tới.
VnDirect cũng nhận định, một số phê duyệt quy hoạch mới sắp tới sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng và giá đất. Trong đó, quy hoạch phân khu nội đô thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng sẽ là cơ sở pháp lý cho thành phố, giúp chỉnh trang đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo quy hoạch sông Hồng cũng được cho là đòn bẩy tích cực. Theo đó, quy hoạch được thực hiện trải dài 40 km sông Hồng từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, diện tích khoảng 11.000 ha gồm 55 phường, xã và 13 quận, huyện.
Đề xuất đưa các huyện vùng ven lên quận ở thành phố lớn cũng tạo điều kiện cho thị trường địa ốc phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, Hà Nội cũng đề xuất đưa 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng lên quận giai đoạn 2021-2025 và 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh giai đoạn 2026-2030.
Trong khi đó, TP HCM sẽ đưa 5 huyện lên quận trong giai đoạn 2021-2030, gồm Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè đồng thời thành lập thành phố Tây Bắc gồm Củ Chi và Hóc Môn.