Arnaud Zannier, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi Zannier Hotels, đến Việt Nam, lần đầu cách đây 10 năm, khi đang tìm một địa điểm để xây khách sạn cho chuỗi tại Đông Nam Á. Việt Nam lúc ấy được cân nhắc cùng Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Sau 2 năm tìm hiểu, ông quyết định chọn một vùng đất ở ven biển Việt Nam. Từ đó, mỗi năm ông đến đây vài lần để chuẩn bị cho dự án. "Giờ thì tôi không nhớ mình đã đến Việt Nam bao nhiêu lần", doanh nhân người Pháp kể về cuộc phiêu lưu của ông ở Việt Nam.
Ông mất 2 năm để tìm vị trí vì Đà Nẵng hay Nha Trang đã có quá nhiều dự án. Sau cùng, họ phát hiện ra Phú Yên. "Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi đã tự nhủ đây là mảnh đất mà mình muốn". Arnaud mất 18 tháng để hoàn tất thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước... từ một quỹ đầu tư Hà Lan.
Rồi đội ngũ của ông đi tham quan khắp Việt Nam để tìm hiểu văn hóa nhằm thiết kế resort theo tiêu chí thật bản sắc địa phương. Quá trình nghiên cứu và lên ý tưởng mất gần 2 năm, rồi thêm 2 năm nữa xây dựng Zannier Hotels Bãi San Hô, tổng cộng mất gần 6 năm nhưng đều nằm trong kế hoạch.
Nhưng điều nằm ngoài dự liệu của Arnaud là khu nghỉ dưỡng lại phải mở cửa đón khách vào năm 2020 - năm "covid". Trong khi, resort 5 sao này hướng đến phân khúc cao cấp, phục vụ khách ngoại là chính, các đường bay nước ngoài tê liệt, mảng du lịch quốc tế ở Việt Nam "đóng băng".
Năm 2020, theo Tổng Cục thống kê, do ảnh hưởng nặng về của Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với 2019. Trong 3,8 triệu khách chúng ta đón trong năm, hơn 96% có được là trong quý I.
Zannier Hotels Bãi San Hô thậm chí còn không có may mắn được đón khách vào quý I, vì họ chỉ thực sự sẵn sàng mở cửa vào tháng 8. Tháng 9, 10, 11 là mùa mưa, không phù hợp cho nghỉ dưỡng ven biển nên họ đành đóng cửa "chờ thời". Để chuẩn bị cho hè 2021, họ quyết định "liều" tham gia thị trường vào cuối năm. Ở ngành khách sạn, cần khoảng 6 tháng để hoàn thiện tất cả dịch vụ khi bắt đầu nhận khách.
"Hè năm ngoái, chúng tôi đã đi và tham quan các khách sạn nghĩ dưỡng cao cấp thấy họ khá đông khách. Lý do người giàu Việt Nam thường đi nước ngoài nhưng nay không thể. Xem xét tất cả các yếu tố này, chúng tôi chấp nhận rủi ro mở cửa vào tháng 12/2020", ông nói.
Chuỗi của ông có 5 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ và nhà ở tại châu Âu, châu Phi và châu Á. Covid-19 khiến họ gặp thử thách ở tất cả thị trường. Nhưng Việt Nam không như Pháp, nơi vẫn có khách ngoại nhờ biên giới tự do trong khối EU; hay Namibia, nơi chỉ cần xét nghiệm âm tính là được nhập cảnh. Việt Nam hơi khó mở cửa với khách quốc tế, nhưng bù lại, có thị trường nội địa mạnh nên Arnaud vẫn tin sẽ có kết quả kinh doanh tốt.
Tháng đầu mở cửa, khách sạn đạt công suất phòng 19%. Tỷ lệ này giảm nhẹ vào tháng 1/2021 và cao hơn vào tháng 2. Hiện tại, họ đã có đặt phòng cho các tháng tới. "Chúng tôi tin lượng khách mùa hè các tháng 6, 7, 8 sẽ đông, và hy vọng hòa vốn ngay trong năm nay", ông nói.
Hòa vốn thật ra là đã "rất tốt" với một khách sạn mới mở, nhất là năm dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu nghe không to tát này, họ dự định tổ chức những kỳ nghỉ cuối tuần theo chủ đề, như về spa, thiền, thể thao hay mở tiệc đồ nướng bãi biển, với DJ đến từ các thành phố lớn.
Nhà sáng lập chuỗi Zannier Hotels dự báo du lịch sau đại dịch sẽ bùng nổ, và cách mọi người đi du lịch cũng thay đổi. "Vì 2 năm vừa qua, mọi người gần như bị chôn chân. Nói cách khác, họ trong trạng thái tức giận, kiểu cuồng chân, rất muốn đi", ông phân tích.
Đại dịch cũng tạo ra tác động lớn đến cách chúng ta đi du lịch. Mọi người có khuynh hướng đi dài ngày hơn so với kiểu đi nhiều chuyến ngắn. Họ muốn một trải nghiệm hơi hướng khai phá nhiều hơn. Ngoài ra, các khách lưu trú cũng mong muốn có nhiều khách sạn nhỏ hơn, mang tính riêng tư hơn.
Đặc biệt, giới trẻ có khái niệm sang trọng khác với trước kia. Nó phải lồng ghép nhận thức về môi trường và phát triển bền vững. "Thật ra trước đại dịch, đó đã là một xu hướng và đại dịch là chất xúc tác khiến nó rõ hơn", ông giải thích.
Chuỗi khách sạn của Arnaud Zannier theo đuổi sự sang trọng thông qua tính chân thật và đơn giản. Họ lồng ghép các yếu tố bản sắc địa phương, cung cấp trải nghiệm kiểu tham quan làng chài, hay ẩm thực truyền thống.
Như khu nghỉ dưỡng ở Phú Yên được thiết kế dành cho khách quốc tế nhiều hơn, nhưng trong giai đoạn Tết vừa qua, nó lại được các gia đình Việt thích thú. Bản thân Arnaud cũng hy vọng cảnh quan thiên nhiên của nơi đây vẫn được địa phương ưu tiên gìn giữ.