UBND tỉnh Long An vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải phương án đầu tư tuyến đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An.
"Hổng" hệ thống vành đai là nguyên nhân chính khiến TP.HCM ùn tắc giao thông, kết nối liên vùng kém.
Đoạn tuyến này dài 6,65 km, thiết kế 6 làn xe cao tốc, nền đường rộng 67 m, tổng mức đầu tư 4.631 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, tư vấn và chi phí khác là 3.075 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.556 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP và Liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore được nghiên cứu khảo sát, đề xuất ý tưởng lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex - VSIP Long An tại xã Lương Hòa, Tân Hòa và Tân Bửu, huyện Bến Lức. Khu công nghiệp này có diện tích khoảng 2.300 ha, trong đó có khoảng 4,7 km đường vành đai 3 cắt qua.
Nhà đầu tư kiến nghị được thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ đoạn qua dự án dài 4,7 km, rộng 67 m và đầu tư hoàn chỉnh đường song hành hai bên theo đúng quy hoạch. Phần đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải đầu tư. Phương án này được lãnh đạo Long An đánh giá hợp lý và đề xuất Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho tỉnh Long An thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để sớm thực hiện dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, kiến nghị Bộ thiết kế điểm kết nối đường cao tốc với đường Phú An Thạnh và đầu tư nút giao này để tạo điều kiện thuận lợi giao thông khu vực.
Với đoạn 1,95 km đường vành đai 3 còn lại, không nằm trong quy hoạch các dự án khác của tỉnh, không có khả năng khai thác quỹ đất hai bên tuyến. Ngoài ra, hiện nay ngân sách tỉnh Long An còn hạn hẹp trong khi còn phải đầu tư nhiều công trình đột phá, trọng điểm. Do đó, địa phương này đề nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư bằng ngân sách Trung ương.
Dự án đường vành đai 3 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, có tổng chiều dài gần 89,3 km, đi qua địa phận Long An, Bình Dương, TP HCM và Đồng Nai. Theo tiến độ, đường vành đai 3 sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đường vành đai 3 dài hơn 90 km được chia làm 4 đoạn. Trong đó, 2 dự án thành phần 1 là 1A và 1B thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư, chuẩn bị khởi công vào cuối năm 2021.