Thời gian qua nhiều khách hàng nhận được tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng, nhưng không phải do ngân hàng phát ra. Điều này khiến ngân hàng cũng không khỏi "đau đầu", khách hàng hoang mang. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn quanh vấn đề này.
- Tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) của các ngân hàng nhằm trộm tiền tài khoản của khách hàng đã bùng phát mạnh trong thời gian gần đây, các tin nhắn này từ đâu ra, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
- Các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các ngân hàng, mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo.
Các khách hàng cũng cần lưu ý, tất cả tin nhắn liên quan đến tài khoản của mình mà cảm thấy không yên tâm hoặc bất thường nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng nơi mở tài khoản để trao đổi để tránh gặp rủi ro. Các tổ chức tín dụng đều có đường dây hotline 24/7 để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra với khách hàng.
- Vậy giải pháp của ngân hàng để đối phó với tình trạng này là gì?
- Các ngân hàng thường thông qua tin nhắn dịch vụ ngân hàng để thông báo biến động số dư cho khách hàng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng đã rà soát và thấy rằng chi phí để duy trì dịch vụ tin nhắn này là quá cao.
Thời gian gần đây, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh sang khuyến khích khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số... để thay thế tin nhắn dịch vụ ngân hàng nhằm hạn chế thấp nhất việc thu phí. Đặc biệt, một số ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì trên kênh ngân hàng số.
Hoạt động thanh toán của các tổ chức tín dụng hiện nay đã có sự đổi mới mạnh mẽ, vươn lên tầm cao mới. Các hoạt động thanh toán mới, dựa trên nền tảng công nghệ cao như App, trung gian thanh toán (Napas), ví điện tử... và đã đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp một cách đầy đủ và an toàn. Việc thông báo số dư qua App ngân hàng hay thông qua các hình thức thanh toán điện tử khác vẫn đảm bảo được sự an toàn, thông suốt, không ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngân hàng vẫn đang hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay, do đó, các tổ chức tín dụng đã rà soát và xem xét lại để hạn chế đến mức tối đa sử dụng dịch vụ tin nhắn, chuyển sang thông báo số dư qua App ngân hàng.
Nhằm tránh bị lừa đảo, người dân nên đến các chi nhánh, hội sở của ngân hàng để được hướng dẫn, xác minh khi giao dịch.
- Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng vẫn tiếp nhận các thông tin dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn còn khá lớn, vậy trong khi chưa thể chuyển đổi hoàn toàn sang sử App thì phương án cần làm để khắc phục tình trạng tin nhắn giả mạo là gì?
- Hiện nay, ngân hàng đang phải trả phí rất cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS brandname thì phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng và nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để.
Theo chúng tôi được biết, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp 3 lần so với phí tin nhắn bình thường, trong khi các tổ chức tín dụng không thể thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng. Do vậy, các nhà mạng cần gia tăng bảo mật, ngăn ngừa và phối hợp với các ngân hàng vá lỗ hổng dịch vụ tin nhắn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ.
Đến nay, các tổ chức hội viên cũng đã có kiến nghị và Hiệp hội ngân hàng cũng đã đại diện các ngân hàng gửi văn bản tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét lại mức cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cho hợp lý, để các tổ chức tín dụng có thể hỗ trợ khách hàng.
Trước mắt trong các hợp đồng ký với ngân hàng, các nhà mạng cũng cần dành một lượng tin nhắn miễn phí đủ lớn để các ngân hàng dùng nhắn tin cảnh báo tới khách hàng khi xuất hiện tình trạng giả mạo mới hoặc nhắc lại tình trạng giả mạo cũ đang có mức độ gia tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Việc cảnh báo này là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi hiện tượng lừa đảo thông qua tin nhắn trở nên phổ biến nhưng nhiều khách hàng chưa hiểu rõ, vô tình thực hiện những thao tác trên tin nhắn, dẫn tới mất tiền trong tài khoản tiền gửi.
- Xin cảm ơn ông!
Một số thông tin và quan điểm từ phía nhà mạng
Trong nội dung trả lời phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, đặc thù tin nhắn các ngân hàng luôn yêu cầu thoả thuận mức độ dịch vụ (Service-level Agreement – SLA) ở mức cao nhất.
Để đáp ứng yêu cầu đó, VNPT đã triển khai trên một hệ thống riêng biệt, luôn đảm bảo dự phòng 1+1 tránh sự cố gián đoạn dịch vụ, có tốc độ xử lý tin nhắn nhanh giúp ngân hàng gửi tin nhắn với số lượng lớn tại một thời điểm, thời gian tin nhắn đến thuê bao nhanh (dưới 10 giây)…
Đối với tình trạng tinh nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng, phía VNPT đã kiểm tra và khẳng định các tin nhắn này không xuất phát từ hệ thống của VNPT. VNPT cũng đã có báo cáo lên Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông để chỉ đạo chung các nhà mạng cùng chia sẻ thông tin để tìm giải pháp phòng, chống.