Nhiều đợt mở bán đang diễn ra nhằm “vợt” khách dịp cuối năm
Mạo danh thương hiệu lớn
Việc các công ty bất động sản lớn bị một số môi giới, hoặc doanh nghiệp khác mạo danh thương hiệu nhằm phục vụ việc bán hàng cho dự án của mình không phải là mới. Tuy nhiên, để ứng phó và giải quyết triệt để vấn đề này không phải chuyện dễ.
Đơn cử, đầu tháng 12/2019, Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã phải phát đi thông báo về việc bị mạo danh để bán dự án Sky D5.
Cụ thể, đại diện Him Lam Land cho biết, thời gian qua công ty nhận được nhiều câu hỏi và thắc mắc của khách hàng liên quan tới thông tin Him Lam Land là chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Sky D5 trên đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM. Nhưng trên thực tế, công ty không triển khai bất kỳ dự án nào mang tên Khu căn hộ cao cấp Sky D5 và cũng không có nhà mẫu nào trên đường Trần Nhật Duật, quận 1 (TP HCM).
"Các thông tin về việc Him Lam Land là chủ đầu tư dự án Sky D5 đều sai sự thật, mạo danh thương hiệu, vi phạm bản quyền thương hiệu Him Lam. Đồng thời, hành vi này đã lợi dụng lòng tin của khách hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ và cảnh giác trước những thông tin giả mạo trên", thông báo của Him Lam Land nêu rõ.
Trước đó khoảng 2 tháng, nhiều môi giới cũng đăng thông tin rằng Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group sắp mở bán dự án khu căn hộ cao cấp SKY D5 quận Bình Thạnh, TP HCM và nhận đặt cọc mua dự án của khách hàng. Giá dự kiến là 50 triệu đồng/m2, thời gian mở bán từ cuối tháng 11 - đầu tháng 12 với số lượng 400 căn. Nhà mẫu đang hoàn thiện trên đường Trần Nhật Duật, quận 1, TP HCM.
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đã khẳng định rằng, hiện Phú Đông Group đang triển khai các dự án chung cư tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, không triển khai bất kỳ dự án nào tại TP HCM và cũng không có nhà mẫu nào trên đường Trần Nhật Duật, quận 1, TP HCM.
"Nhà mẫu chúng tôi ở ngay dự án tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, hiện chúng tôi sắp triển khai dự án Phú Đông 3 và đang làm nhà mẫu tại khu đô thị Phú Đông tại thị xã Dĩ An. Chúng tôi cũng không hề liên kết với Sàn giao dịch bất động sản Thủ Thiêm Home nào bán sản phẩm nhà mà chúng tôi triển khai. Tất cả thông tin trên đều là giả mạo, lừa đảo, đề nghị khách hàng cảnh giác", ông Phúc nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Him Lam Land bị "ăn theo". Bởi từ cuối năm 2017 đến tháng 6/2018, doanh nghiệp này đã bị nhái thương hiệu tại dự án Khu dân cư Him Lam (quận 7), Khu dân cư Him Lam Chợ Lớn (quận 6)...
Tương tự, thương hiệu của nhà phát triển dự án EZ Land Việt Nam cũng đang bị làm nhái từ màu sắc logo đến thiết kế của website. Cụ thể, website chính thức của công ty là ezland.vn, nhưng trên thị trường hiện nay có nhiều website mạo danh thương hiệu này bằng cách đặt tên miền rất dễ nhầm lẫn như: ezland.com.vn, hausviva.com.vn…
Điều đáng nói là tại các trang web "dỏm" này đều có những thông tin về dự án hay chủ đầu tư, thậm chí những chiết khấu hay khuyến mại còn hấp dẫn hơn so với thông tin chính từ chủ đầu tư.
Theo các chuyên gia trong ngành, mục tiêu của việc đăng tải những thông tin rất hấp dẫn về dự án là để dụ khách hàng đăng ký thông tin, thậm chí là gửi tiền đặt cọc cho những cá nhân, tổ chức lập ra website này.
Quyết lấy tiền đặt cọc bằng mọi cách
Thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2019 được nhiều người đánh giá rằng sẽ "sạch" hơn sau các vụ việc liên quan đến Công ty Alibaba, Công ty Angel Lina, hay trước đó là Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát… bị cơ quan công an khởi tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các dự án "ma". Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng dụ khách hàng đặt cọc bằng những thông tin không chính xác vẫn đang diễn ra khá phổ biến.
Đơn cử như câu chuyện của bà Hoàng Thị T., ngụ tại tỉnh Bình Dương, vừa bị mất gần 200 triệu tiền cọc vì tin những lời quảng cáo trên mạng của các công ty môi giới.
Cụ thể, bà T. chia sẻ, do ông bà đang có nhu cầu muốn mua một mảnh đất tại quận 9 (TP.HCM) để được ở gần con trai hơn, nên đã lên mạng tìm kiếm. Sau đó, bà được một người tên Vi, nhân viên môi giới của Công ty địa ốc L.P, gọi đến giới thiệu về dự án Khu dân cư ở phường Long Bình, quận 9.
Cần tìm đến các sàn uy tín và hỏi kỹ hồ sơ pháp lý
Theo lời nhân viên môi giới, bà đã đồng ý đi xem thực tế vì dự án được quảng cáo là có vị trí ở ngay đường Nguyễn Xiển, gần Bến xe Miền Đông mới, giá chỉ 25 triệu đồng/m2 và sau khi ký hợp đồng 6 tháng thì sẽ ra sổ riêng.
Tuy nhiên, khi lên xe đi xem dự án thì bà lại được chở thẳng xuống tận xã An Phước, tỉnh Đồng Nai. Lúc này, nhân viên môi giới tên Vi mới lý giải rằng, dự án ở quận 9 đã hết hàng, nên muốn giới thiệu cho bà dự án ở dưới này, giá cũng tốt hơn và nhiều ưu đãi hơn.
Cụ thể, một lô đất ở đây có diện tích khoảng 100m2 nhưng giá chỉ khoảng 1,9 tỷ đồng. Nếu khách hàng quyết định mua trong ngày mở bán thì sẽ được giảm ngay 100 triệu đồng/sản phẩm. Chưa kể, nếu thanh toán 60%, khách hàng sẽ được chiết khấu 2,5 chỉ vàng và có cơ hội nhận 1 xe SH trị giá 50 triệu đồng.
Trước khung cảnh ồn ào của buổi lễ mở bán, và việc mua bán diễn ra rất sôi nổi, bà T. đã quyết định đặt mua 1 lô tại dự án này. Nhưng với tâm lý là đi xem dự án nên không mang theo nhiều tiền, chỉ có khoảng 1 triệu đồng trong người, nên yêu cầu được về nhà lấy tiền rồi sẽ đến công ty để ký hợp đồng sau nhưng phía công ty môi giới không đồng ý.
"Nhân viên Công ty L.P bảo tôi cứ đặt trước 1 triệu đồng gọi là làm tin và để giữ chỗ. Sau đó, họ đã theo tôi về tận nhà để thu số tiền còn lại là gần 200 triệu đồng, có ký giấy thỏa thuận nhận cọc và hẹn 7 ngày sau lên công ty để ký hợp đồng", bà T. nhớ lại.
Sau khi lên trụ sở công ty tại đường Trường Sơn, quận Tân Bình để ký hợp đồng, bà T. yêu cầu được xem pháp lý của dự án. Lúc này, phía công ty chỉ đưa ra được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư do UBND tỉnh Đồng Nai cấp, không có quy hoạch 1/500 cũng như các giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cảm thấy pháp lý của dự án chưa được rõ ràng nên bà đã quyết định không mua nữa và yêu cầu được nhận lại số tiền đã đặt cọc nhưng không được. Bởi trong giấy thỏa thuận nhận cọc mà bà đã ký trước đó, công ty này đã "gài" một điều khoản rất bất lợi cho khách hàng là, trong trường hợp khách hàng từ chối giao kết thì sẽ bị mất số tiền đã đặt cọc. Khách hàng cũng không được nhận các khoản quà tặng, chiết khấu kèm theo. Công ty có quyền cho bên thứ 3 khác đặt cọc lô đất trên mà không cần phải thông báo cho khách hàng.
Theo bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc một công ty chuyên kinh doanh đất nền tại quận Thủ Đức, đây là những chiêu lừa đảo của dân môi giới và các công ty nhỏ lẻ. Họ vẽ ra dự án ở vị trí đẹp, giá rẻ rồi dụ khách hàng bằng cách để lại số điện thoại. Khách hàng có nhu cầu sẽ được hẹn đi coi dự án nhưng lại không đưa đến đúng vị trí mà đã giới thiệu trước đó.
"Hiện đang là dịp cao điểm để các công ty đổ quân đi tìm khách, chốt doanh số của năm nên khách hàng có nhu cầu đầu tư phải hết sức cẩn trọng. Nên tự tìm hiểu thông tin và pháp lý của dự án chứ không chỉ nghe môi giới tư vấn. Đặc biệt là cần tìm hiểu kỹ các điều khoản khi ký bất cứ thứ gì để tránh mất tiền oan", bà Linh nói.