Tìm kiếm các quỹ đất sạnh cho kế hoạch triển khai dự án luôn là mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản. Trong ảnh minh họa là một góc khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN
Nửa đầu năm 2020 đã trôi qua, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã đi qua mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên. Tại các cuộc đại hội, ngoài những bản báo cáo kết quả, kế hoạch kinh doanh cho tương lai thì câu chuyện được nhiều doanh nghiệp nhắc đến chính là việc sẵn sàng bước vào hành trình mở rộng quỹ đất. Bởi lẽ, thời điểm này thị trường đang định hình lại khả năng phục hồi sau dịch Covid-19, cũng là "mùa săn" quỹ đất của các doanh nghiệp có tiềm lực.
Chuẩn bị sẵn túi tiền ngàn tỉ đồng để gom hàng
Dù là doanh nghiệp nằm trong nhóm các công ty sở hữu quỹ đất đứng đầu ở thị trường TP HCM (vào khoảng 680 héc-ta) nhưng đối với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long thì việc bổ sung thêm đất luôn là yếu tố được quan tâm bậc nhất. Chính vì vậy, doanh nghiệp này dành đều đặn mỗi năm 2.000 tỉ đồng để thực hiện công tác mua thêm đất.
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi trung tuần tháng 6, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long cho biết doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để gia tăng quỹ đất trong thời gian tới. Mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp là các khu đất quy mô lớn ở các địa phương vệ tinh của TP HCM và cả Hà Nội.
"Đây được xem là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp hành động nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu. Bởi lẽ sau khi dịch Covid-19 đi qua nhiều doanh nghiệp có đất nhưng không thể triển khai dự án vì áp lực tài chính buộc phải xả hàng. Cơ hội để chúng tôi đàm phán với các đối tác dạng này có thể sẽ suôn sẻ hơn".
Trong ĐHCĐ thường niên của Công ty cổ phần Đầu tư An Gia mới đây, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết sẽ chi thêm khoảng 5.000 tỉ đồng để mở rộng quỹ đất. Với sự chuẩn bị như vậy, An Gia sẵn sàng chi trả giá cao hơn để lấy được những khu đất có tính pháp lý ổn định, qua đó đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
"Trong năm 2019 doanh nghiệp đã chi khoảng 2.800 tỉ đồng để gom các quỹ đất ở các địa phương xung quanh TP HCM. Năm nay con số dự chi sẽ tăng hơn nữa để tận dụng thời điểm đàm phán tốt sau dịch Covid-19 nhằm bổ sung thêm quỹ đất cho chiến lược dài hơi hơn", ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia chia sẻ với cổ đông.
Tương tự, mở rộng quỹ đất cũng là một trong những mục tiêu được Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đặt ra trong báo cáo thường niên, mặc dù xác định 2020 là một năm cực kỳ khó khăn.
Ngoài thị trường chủ lực là TP HCM với sản phẩm nhà thấp tầng, chung cư, các tổ hợp cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại, Thuduc House tiếp tục tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án rộng hơn trong 10 năm tới. Trong đó, mục tiêu mở rộng của doanh nghiệp sang các tỉnh thành lân cận đang có tiềm lực phát triển như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thuduc House chỉ nhắm tới những quỹ đất quy mô nhỏ và vừa (1-10 héc-ta) để phát triển cac dự án nhà ở có giá thành phù hợp với phân khúc trung bình.
Không chỉ doanh nghiệp, nhu cầu phát triển quỹ đất sạch cũng là nhu cầu cấp thiết của chính quyền các địa phương. Trong ảnh là một khu vực phát triển khu công nghiệp tại tỉnh Long An. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong khi đó, với Tập đoàn Novaland - một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất rất lớn, dù không đưa ra những con số định lượng cụ thể, nhưng tham vọng gia tăng quỹ đất vẫn được thể hiện trong ĐHCĐ vừa qua. Lãnh đạo Novaland xác định chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) vẫn tiếp tục là con đường phát triển quỹ đất của tập đoàn này trong năm 2020 và các năm tới. Trong bối cảnh thị thường được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi như trên, có thể Novaland sẽ không đứng ngoài cuộc chơi.
Trong báo cáo thường niên chỉ rõ, ngoài việc chú trọng lựa chọn M&A các dự án bất động sản có vị trí đắc địa, pháp lý chắc chắn tại khu vực trung tâm TP HCM, Novaland cũng tiếp tục đẩy mạnh xu hướng M&A dự án thiên về mô hình đô thị sinh thái thông minh tại các vị trí phát triển khu đô thị vệ tinh, trọng điểm là khu vực Đồng Nai.
Quỹ đất lớn giúp củng cố vị thế
Sở hữu quỹ đất lớn trong tay không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động với các kế hoạch phát triển dài hơi mà chính họ cũng có nhiều phương án kinh doanh hơn khi tận dụng tốt các chiến thuật hợp tác đầu tư. Đó là lý do việc săn tìm quỹ đất luôn được các doanh nghiệp lớn quan tâm và duy trì đều đặn hàng năm.
Nhìn lại chiến lược của Nam Long trong khoảng 5 năm qua, khi chuyển hướng phát triển từ phân khúc nhà bình dân lên trung cấp có thể hình dung ra được lợi thế của việc sở hữu quỹ đất lớn. Đây là yếu tố giúp họ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thực tế, trong thời gian qua, phần lớn dự án của "ông vua" nhà giá rẻ này đã được nâng cấp bởi những nhà đầu tư có tiềm lực đến từ Nhật Bản.
Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp
Hay như câu chuyện về các dự án có quỹ đất lớn của Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng có giai đoạn giúp họ tạo được ấn tượng với nhà đầu tư. Trong ĐHCĐ của doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch HĐQT tỏ ra bi quan về số phận của dự án chiếm quỹ đất lớn nhất của họ là Khu dân cư Bắc Phước Kiển. Tuy nhiên trong quá khứ chính quỹ đất lớn của dự án đã giúp doanh nghiệp thu hút được khoản tài chính hàng ngàn tỉ đồng từ các đối tác để duy trì và đắp đổi cho những khoản nợ.
Dù hiện tại tình hình tài chính của QCG trồi sụt nhưng với việc tích lũy quỹ đất nhiều năm qua thì cơ hội thay đổi cục diện của doanh nghiệp này vẫn rất lớn. Trong báo cáo thường niên, lãnh đạo QCG khẳng định đang sở hữu những quỹ đất không nhỏ tại TP HCM, làm lợi thế để công ty phát triển đầu tư xây dựng trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, bà Như Loan cũng tiết lộ kế hoạch tiếp cận đầu tư sang các khu vực quận 9, quận 2, mở rộng ra các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quỹ đất sạch dồi dào có thể là cơ sở để doanh nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư ngoại có kinh nghiệm phát triển dự án và có tiềm lực tài chính mạnh, hợp tác đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt. Đó cũng có thể là lý do để An Gia mạnh dạn vung tiền để tích lũy quỹ đất trong những năm gần đây sau khi có sự tham gia đầu tư của các quỹ ngoại. Đây có thể là thời điểm tố để họ đẩy nhanh tiến trình này.
Hay như đại gia Novaland cũng tạo được vị thế lớn khi nắm giữ quỹ đất với quy mô được công bố lên đến gần 5.000 héc-ta, đủ để doanh nghiệp phát triển ổn định trong 10-20 năm tới. Theo chia sẻ mới đây của Giám đốc Tài chính tập đoàn Novaland Nguyễn Thái Phiên, 70% quỹ đất tại TP HCM của doanh nghiệp nằm ở khu Đông và đây sẽ là lợi thế lớn trước xu hướng đầu tư về khu vực phía Đông TP HCM.